Cha mẹ tìm cách ngăn chặn nội dung xấu độc trên Internet

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 07/10/2023 20:13 GMT+7

VTV.vn - Mạng xã hội có hai mặt, không ít phụ huynh đang loay hoay tìm cách để con không bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu độc trên không gian mạng.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 7 vi phạm của ứng dụng Tiktok, đặc biệt là nội dung xấu độc, gây hại cho trẻ em, trong đó đã buộc mạng xã hội này phải xóa các tài khoản trẻ của em dưới 13 tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, việc cấm nền tảng này, những người sáng tạo nội dung ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ lại chuyển qua nền tảng khác bởi lợi nhuận lớn thu được từ những lượt tương tác của khán giả nhỏ là rất lớn. 

Con bắt đầu ăn dặm, để bé chịu ngồi tập trung ăn, chị Đặng Thu Hương (Hà Đông, Hà Nội) đành bật tv, mở nội dung trên mạng. Điều này thu hút cả các bạn lớn trong nhà. Để nhìn rõ, hai anh trai đều phải đeo kính. Cận thị, một phần cũng bởi sử dụng thiết bị điện tử từ quá sớm.

"Phải cho xem thì em ăn mới nhanh được, không thì gần như là ngậm này, hoặc là nhè, phun rất nhiều. Không biết rõ được các bạn đang xem cái gì? Hai anh này cũng gọi là mẹ ơi cho con xem một tí. Nếu mà mình quên bẵng đi một chút hoặc là mình có việc thì gần như là xem. Mình không kiểm soát được", chị Hương cho biết.

Hầu hết phụ huynh có chung mục đích khi cho con sử dụng thiết bị kết nối internet, giải trí và phục vụ học tập. Nhưng khi không thể cưỡng lại sức hút từ những nội dung trên mạng, chỉ cần rời khỏi tầm mắt, trẻ lại sử dụng điện thoại.

Khảo sát của tổ chức UNICEF mới đây cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi đã sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. 

Tần suất sử dụng thiết bị điện tử ngày càng nhiều, nhưng chế tài ngăn chặn nội dung xấu độc thường có độ trễ so với thực tế. Đơn cử như thể loại phim ngắn phản cảm vẫn xuất hiện dày đặc, có đến hàng triệu lượt xem, nhưng chưa hề bị xử lí. Thậm chí có những sản phẩm dán nhãn dành cho trẻ em nhưng toàn nội dung kinh dị. Trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức chính là mỏ vàng đem lại lượt tương tác cao cho đối tượng sản xuất nội dung xấu độc.

"Rõ ràng đây là cái sự chủ ý của những nhà sản xuất, bản thân nền tảng đưa ra 1 chính sách này thì họ đã lách cái đó rồi. Mua những hệ thống fanpage ở nước ngoài, sau đó các bạn ấy kinh doanh ở nước ngoài. Quan trọng nhất là họ đang tận dụng là ở Việt Nam mình chưa có cái văn hóa report từ người dùng người xem, nên những nội dung đó nó vẫn tồn tại và phát triển được", ông Nguyễn Đăng Quỳnh, CEO Công ty Truyền thông và Giải trí Vitamin Việt Nam cho biết.

Do đặc điểm đô thị nhà nhỏ, ngõ nhỏ và cũng không gần công viên để ra ngoài hoạt động. thiết bị số là công cụ tối ưu giúp trẻ em kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu vì nội dung xấu mà cấm thì cũng dở, mà cho dùng cũng không yên tâm.

Để quản lý chặt chẽ hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ giới hạn thời gian truy cập, sử dụng Tiktok với người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh sự vào cuộc quản lí của nhà nước rất cần sự phối hợp dạy dỗ của cha mẹ. Môi trường gia đình là nền tàng, định hình sự phát triển nhân cách của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước