Chăm sóc trẻ tự kỷ - Thách thức giữa đại dịch

Tiến Tú, Nguyên Thảo, Dương Dũng, Phùng Định, Ngọc Minh-Thứ hai, ngày 18/10/2021 12:50 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 đã khiến quá trình can thiệp của nhiều trẻ tự kỷ quay về vạch xuất phát khi các em ở nhà bí bách trong một khoảng thời gian dài.

Đại dịch COVID-19 khiến tại một số địa phương, trường học và các trung tâm giáo dục vẫn đang phải đóng cửa để phòng dịch, bao gồm các các trung tâm, cơ sở chuyên biệt tư vấn, phát hiện và can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Chăm sóc trẻ tự kỷ - Thách thức giữa đại dịch - Ảnh 1.

Khó khăn được nhân lên nhiều lần hơn với các gia đình có con tự kỷ khi bị gián đoạn kéo dài thời gian can thiệp hành vi cho con. Việc ở nhà thường xuyên làm gia tăng những căng thẳng và dễ phát sinh các vấn đề hành vi, cảm xúc tiêu cực ở trẻ.

Gian nan chăm con tự kỷ trong mùa dịch

Ở nhà bí bách trong một khoảng thời gian dài, trẻ tự kỷ phát sinh nhiều hành vi không làm chủ bản thân. Không ít những vết thương do chính các em gây ra, tự làm đau mình. Mỗi lúc như vậy, anh Minh lại nhẹ nhàng đến bên con, thì thầm trò chuyện, vuốt ve an ủi bằng sự kiên nhẫn hết mức.

Chăm sóc trẻ tự kỷ - Thách thức giữa đại dịch - Ảnh 2.

Giống như anh Minh, chị Mai Anh cũng lo sợ nếu các trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt không mở cửa, sự tiến bộ của con gần như sẽ bay biến. Mọi thứ sẽ quay về vạch xuất phát như trước khi con chưa đi can thiệp.

Một số trung tâm can thiệp hay giáo dục cho trẻ tự kỷ đa phần đều chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhưng học online với trẻ em nói chung đã khó, với trẻ tự kỷ lại càng khó hơn.

Khó khăn can thiệp cho trẻ tự kỷ sau mùa dịch

Không phải phụ huynh nào cũng đủ kiến thức và cả sự kiên nhẫn để có thể hỗ trợ, can thiệp một cách đúng hướng khi con mình là trẻ tự kỷ… trong khi việc phát hiện và can thiệp sớm, kịp thời lại có vai trò tiên quyết để giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Ngay tại các trung tâm tư vấn, phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc can thiệp trẻ sau mùa dịch khi kỹ năng của các em bị mai một và hành vi tiêu cực thì gia tăng.

Chăm sóc trẻ tự kỷ - Thách thức giữa đại dịch - Ảnh 3.

Dù con có biểu hiện tăng động, giảm chú ý từ khi 3 tuổi, cũng đã đưa con đi khám nhưng vì cuốn vào công việc mà suốt mấy năm qua, anh Tú vẫn chưa thể cho con đi can thiệp một cách toàn diện, bài bản và lâu dài. Thời gian giãn cách trở thành khoảng thời gian anh nhận ra phải cho con đi can thiệp.

Thời gian giãn cách trở thành cơ hội để anh Tú và gia đình nhận ra tình trạng của con mình. Nhưng nó lại cũng đang là thách thức với nhiều gia đình và cả các trung tâm chuyên biệt khi có thể làm lỡ mất giai đoạn vàng trong can thiệp với trẻ tự kỷ, giúp trẻ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi.

Trung tâm chưa hoạt động trở lại. Các buổi học toàn thời gian chưa được tổ chức. Những buổi can thiệp chức năng theo hình thức 1 - 1 với thời gian 1 tiếng chỉ là giải pháp gỡ khó tạm thời để giảm thiểu việc mất đi ngôn ngữ, kỹ năng mà các bé đã học được.

Cơ hội hoà nhập cho trẻ tự kỷ trong đại dịch

Hiện Việt Nam có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra. Đại dịch COVID-19 trở thành thách thức lớn trong hành trình giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đây lại cũng là thời điểm cho nhiều hình thức trải nghiệm mới được tạo dựng cho trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Thậm chí, việc hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ cũng được bắt đầu từ những lớp học này.

Chăm sóc trẻ tự kỷ - Thách thức giữa đại dịch - Ảnh 4.

Máy tính bảng, đồ chơi, đất nặn với đủ màu sắc là những vật dụng được sử dụng trong buổi trải nghiệm mỹ thuật online dành cho trẻ tự kỷ. Đều đặn 2 buổi/tuần, chị Thúy lại tất bật chuẩn bị cho lớp học đặc biệt của mình. Với đặc thù học sinh trong lớp là những trẻ "đặc biệt" nên việc dạy vẽ cũng trở nên đặc biệt không kém.

Khác với những bạn đồng trang lứa, Huy không thể giao tiếp cùng mọi người, nhưng thay vào đó, em giao tiếp cùng mẹ qua những bức tranh. Con học vẽ, mẹ ngồi cạnh động viên. Từ những nét vẽ ngô nghê lúc mới học, đến nay nó đã trở thành phản xạ và là niềm yêu thích của em mỗi ngày.

Không chỉ trải nghiệm mỹ thuật, nhiều hoạt động trải nghiệm khác cũng đã được tổ chức online trong thời gian trẻ nghỉ dịch. Bên cạnh việc cho con có không gian thoải mái giảm căng thẳng khi ở nhà, đây còn là cơ hội để các em bộc lộ những năng khiếu của bản thân, từ đó cơ hội việc làm tạo sinh kế cho trẻ cũng được mở rộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước