Hơn 70 tuổi, chưa bao giờ ông Hồ Văn Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) lại chứng kiến một thảm họa với ngôi làng và chính gia đình của mình.
Mưa lớn, nhiều tiếng nổ lớn trong lòng đất, rồi sạt lở núi xóa sổ một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Leng. Tang thương chồng chất gia đình ông Đề, khi giờ chỉ còn hai vợ chồng già trơ trọi, còn con cháu đã vĩnh viễn ra đi.
Đường xe đã thông đến hiện trường vụ sạt lở, song công tác tìm kiếm những nạn nhân vùi lấp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Phạm vi rộng, lượng đất đá vùi lấp quá lớn, phương tiện cơ giới không thể tham gia cứu nạn. Huy động tổng lực, dùng sức người để đào bới, tìm kiếm nạn nhân mất tích là phương pháp tối ưu nhất tại thời điểm hiện nay.
Dọn dẹp đống đổ nát, đào bới tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. (Ảnh: Phạm Nguyễn/Dân trí)
Mặc dù thời tiết gặp rất nhiều khó khăn, tiếp tục có mưa to, gió lớn, song lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam vẫn đang nổ lực tìm kiếm, để có thể sớm tìm thấy những nạn nhân cuối cùng.
Hiện nay lực lượng cứu hộ đã đưa hai máy bơm nước công suất lớn để phục vụ cho việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Công tác cứu hộ đang rất khẩn trương, tất cả đang chạy đua với thời tiết để sớm tìm thấy các nạn nhân, sau đó là ổn định đời sống sau những gì mà thảm họa sạt lở núi đã gây ra.
Cả một góc núi đã đổ ụp xuống Trà Leng. (Ảnh: Phạm Nguyễn/Dân trí)
Các lực lượng cứu hộ và nhân dân đào bới tìm kiếm nạn nhân mất tích. (Ảnh: Đỗ Quân/Dân trí)
Chiều hôm qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tất cả các tỉnh miền núi. Trong đó đề nghị khẩn trương rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối. Cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!