Theo dự báo, ngày 21/6 Hà Nội tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Ngày 22/6, có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ.
Nhiệt độ trên được ghi nhận tại lều khí tượng, nhiệt độ thực tế ngoài trời ở Hà Nội có thể cao hơn nhiều do tác động của hiện tượng đảo nhiệt đô thị liên quan đến vấn đề bê tông hóa, giảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước, số lượng xe cơ giới lớn cũng như nhu cầu dùng điều hòa tăng đột biến ngày nắng nóng.
Khu vực Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ cũng có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, vùng núi có nắng nóng cục bộ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45-65%, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ. Ngày mai (22/6), nắng nóng còn xảy ra ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất 35-37 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-70%, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16 giờ.
Các tỉnh miền Trung hôm nay cũng tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Cảnh báo nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở miền Trung có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/6, sau nắng nóng có khả năng dịu dần.
Chuyên gia cảnh báo, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt khi cơ thể tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Chỉ số tia UV ở miền Bắc, miền Trung hôm nay ở ngưỡng gây hại cao đến rất cao với sức khỏe con người. Người ra đường nên bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Mọi người được khuyến cáo uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh và hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới nắng.
BS Trần Quang Thắng (trưởng khoa Cấp cứu đột quỵ - BV Lão khoa Trung ương) cho biết, nhiều người dân thấy môi trường bên ngoài nắng nóng nên thích mở nhiệt độ điều hòa thật thấp, uống nhiều nước đá để giải nhiệt, điều này vô tình đẩy nguy cơ đột quỵ, mắc các bệnh đường hô hấp, phổi tăng cao. Trong việc chăm sóc người bệnh tại nhà, mọi người nên đặt 1 chiếc chăn bên cạnh để đắp và theo dõi thường xuyên. Đối với nhóm bệnh nhân không xoay trở mình được thì để điều hòa ở mức 28 độ. Còn lại các bệnh phổi khác để từ 27 độ trở lên.
Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên khi gặp người bị đột quỵ do nắng nóng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, tỉ lệ cứu sống càng cao, đặc biệt là phải được đưa tới viện vào "giờ vàng" (tức 3-4,5 tiếng đầu sau khi đột quỵ).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!