Đau lòng khi chim di cư vào mùa tận diệt

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 25/09/2022 20:49 GMT+7

VTV.vn - Dọc bờ biển Hà Tĩnh, những đầm nước trù phú thường được các loài chim lựa chọn làm điểm dừng nghỉ để tiếp tục vượt đường xa. Thế nhưng chúng không biết rằng, đó là tử địa.

Thời gian qua, dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim này vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học và môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật. Đồng thời ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

Hà Tĩnh là nơi tình trạng săn bắt chim trời đang diễn ra phổ biến. Cứ vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9, những đàn chim di cư lại vượt hàng nghìn km bay về phương Nam tránh rét. Dọc bờ biển Hà Tĩnh, những đầm nước trù phú thường được chúng lựa chọn làm điểm dừng nghỉ, bổ sung năng lượng để tiếp tục vượt đường xa. Thế nhưng chúng không biết rằng, đây là tử địa. Dưới đầm, những con chim mồi đã bị khâu mắt, buộc chặt chân vào cọc, liên tục bị thợ săn giật dây để phát ra tiếng kêu thu hút đồng loại. Chỉ cần lao xuống là bị dính chặt vào hàng loạt que tre tẩm 1 loại keo siêu dính.

Đau lòng khi chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 1.

Với cách săn bắt tận diệt, mỗi ngày 1 người dân có thể bắt được cả trăm con cò.

Cò mồi sống không đủ, người dân ở đây còn nghĩ ra cách gọt hàng nghìn con cò giả bằng xốp, cắm đầy các rừng tràm hay trên mặt ruộng, xen kẽ với que tre tẩm nhựa. Với cách săn bắt tận diệt, mỗi ngày 1 người dân có thể bắt được cả trăm con cò. Thu nhập lên tới 3 đến 5 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với 1 ngày công làm nông nghiệp.

Chợ Hội - huyện Cẩm Xuyên, một trong những điểm đến của chim trời sau khi bị săn bắt. Với giá 60.000 đồng/con, chim trời được người dân lén lút bán ở đây như một thứ đặc sản. Dù bị nhiều thương tích nghiêm trọng sau quá trình bẫy bắt, tất cả những con chim đều còn sống.

Dù phải công nhận là ác nhưng quá trình hóa kiếp tàn độc đến đây vẫn chưa kết thúc. Những con cò sau khi bị vặt trụi lông sẽ bị chủ hàng sử dụng bình khò gas thiêu sống. Nhiệt độ của ngọn lửa đèn khò lên tới 1.300 độ, tức cao gấp 13 lần nhiệt độ của nước sôi.

Ngay khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng của huyện Cẩm Xuyên đã có mặt tại hiện trường, nhiều chủ hàng vội vã bỏ chạy, vứt lại cả những con chim trời đang thui dở cùng đủ loại dụng cụ. Những cơ sở vi phạm đều bị hạt kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên lập biên bản xử phạt, tịch thu tiêu hủy toàn bộ số chim trời bày bán trái phép.

Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Việt Nam có 11 loài chim cực kỳ nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa. Nếu không có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng tận diệt chim di cư, có thể đến một ngày nào đó, hình ảnh những cánh cò bay trên đồng lúa chỉ còn trong ca dao tục ngữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước