Hà Nội:

Chương trình OCOP tiếp tục là dự án tin cậy cho các sản phẩm địa phương

Minh Đức-Thứ bảy, ngày 25/07/2020 21:11 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu và có nhiều sản phẩm chất lượng cao, có thể vươn ra thị trường Quốc tế.

Thời gian qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã trở thành một dự án thiết thực, được đông đảo làng nghề, nhà sản xuất tin tưởng tham gia. Đến nay, chương trình OCOP đã tạo nên một làn gió mới trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, nhiều địa phương trong nước, đặc biệt là TP Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu khi có rất nhiều đơn vị, làng nghề tham gia dự án, từ đó tăng cao giá trị cho sản phẩm, mở rộng thị trường.

Đánh giá xếp hàng hàng ngàn sản phẩm tham dự OCOP

Trong năm 2019, Chương trình đã triển khai kế hoạch tại Hà Nội với mục tiêu Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm 800 đến 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp Thành phố, 100 sản phẩm được tham gia và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP, đến nay 100% các quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện.

Công tác tuyên truyền cũng đã được thực hiện sâu và đồng đều tại các địa phương. Cụ thể, đã có 29 hội nghị, 31 lớp đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP được thực hiện. Thông tin về Chương trình cũng được tuyên truyền lồng ghép với gần 30 đơn vị truyền thông của Trung ương và Hà Nội. Các đoàn công tác cấp Thành phố cũng được thành lập để đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP trong nước tại các tỉnh, thành phố khác; đồng thời 1 đoàn công tác của TP đi học tập chương trình OTOP nước ngoài tại Thái Lan.

Chương trình OCOP tiếp tục là dự án tin cậy cho các sản phẩm địa phương - Ảnh 1.

Vào ngày 24/7, Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc và sự kiện Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đã được tổ chức tại Hà Nội

Nhờ những nỗ lực tuyên truyền sâu rộng, rất nhiều sản phẩm đã gửi hồ sơ tham gia Chương trình OCOP. Cụ thể, các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận tổng số 316 hồ sơ sản phẩm; sau khi cấp huyện tiến hành đánh giá, phân loại có 301 hồ sơ đạt yêu cầu dự thi cấp TP. Kết quả năm 2019, TP đã đánh giá, phân hạng các sản phẩm trên, trong đó 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao, đạt 100,3% kế hoạch năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Chương trình OCOP tiếp tục tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các làng nghề, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt là tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.

Chương trình OCOP tiếp tục là dự án tin cậy cho các sản phẩm địa phương - Ảnh 2.

Các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương được OCOP tổ chức đã thu hút hàng ngàn người đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm

Dấu ấn đặc biệt là vào cuối tháng 6 vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Hội thảo kế nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời tổ chức khu trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương với số lượng đến 140 chủ thể có sản phẩm được UBND TP công nhận OCOP năm 2019 cùng hàng ngàn dòng sản phẩm khác. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 109 biên bản ký kết, ghi nhớ Hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh.

Nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP trong năm 2020

Mặc dù Chương trình đã gặt hái được rất nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng vẫn còn những tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm của các chủ thể còn lúng túng, câu chuyện sản phẩm còn đơn giản, chưa gắn kết được với lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch – truyền thống – lễ hội còn chưa triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các cấp chính quyền từ Thành phố, quận, huyện, thị xã và các đơn vị tư vấn mới chỉ tập trung hỗ trợ các chủ thể về hoàn thiện thủ tục hồ sơ minh chứng nâng cấp chất lượng sản phẩm mà chưa có chính sách hỗ trợ động viên các chủ thể có sản phẩm đạt sao sau khi dự thi.

Chương trình OCOP tiếp tục là dự án tin cậy cho các sản phẩm địa phương - Ảnh 3.

Trong năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 700 sản phẩm được hoàn thiện, tổ chức đánh giá và phân hạng OCOP

Chương trình cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để hoàn thiện nâng cấp dự thi cấp TP năm 2020. Hoàn thiện hồ sơ những sản phẩm tiềm năng 5 sao trình TP để dự thi đánh giá của TƯ. Đặc biệt, tổ chức 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; Xây dựng đề án thực hiện mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của Quốc gia tại Hà Nội.

Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mĩ nghệ, tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử…

Nhằm định hướng tốt hơn cho người tiêu dùng, chương trình cũng sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy suất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản của thành phố, trang điện tử của thành phố để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước