Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc
Một cuộc sống "bình thường mới" đang bắt đầu quay trở lại ở nhiều nơi đã từng là điểm nóng dịch bệnh COVID-19. Để có được những điều tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống như: đi ăn 1 bát phở ngoài hàng, chạy bộ ở công viên, đi xe buýt đi làm - những điều mà trước đây chưa bao giờ phải ao ước thì thời gian qua, chúng ta đã phải trả giá bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức, gian khổ và cả những hi sinh, mất mát.
Nhìn lại chiến lược chống dịch thời gian qua, rút ra những bài học kinh nghiệm, để từ đó tìm cách duy trì ổn định một cuộc sống "bình thường mới" sẽ là nội dung chính của chương trình Tọa đàm: Trở lại "bình thường mới".
Những tháng vừa qua, có lẽ người dân trong khu vực nào bị cách ly y tế, giãn cách xã hội một thời gian dài cũng có chung cảm xúc và tâm lý mong đợi một ngày được nới lỏng, được trở lại cuộc sống bình thường.
Hầu như ai cũng thường trực có chung câu hỏi: Khi nào thành phố, địa phương mình kiểm soát được dịch bệnh, khi nào được đi lại thuận lợi, để được đi làm, được thăm người thân, khi nào hàng quán ăn uống, dịch vụ được mở cửa trở lại.
Tại Hà Nội, từ 6h sáng ngày 14/10 vừa qua, người dân đã có được câu trả lời.
Người dân Hà Nội đã được trở lại với nhiều hoạt động thường ngày
Còn tại TP Hồ Chí Minh - địa phương được coi là điểm nóng dịch lớn nhất cả nước thì sau ngày 1/10, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều công ty, doanh nghiệp tại thành phố đã bắt đầu hoạt động trở lại. Niềm vui khi quay trở lại với công việc mới là điều ai cũng nhìn thấy được ở cả công nhân và chủ doanh nghiệp, bởi đây chính là sự khởi đầu ổn định và phát triển.
Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc. Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ngày 17/10.
Hội nghị đã đánh giá những kết quả bước đầu, những bước ngoặt quan trọng trong phòng, chống đợt dịch thứ 4, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược phòng dịch tốt hơn cho giai đoạn trở lại cuộc sống "bình thường mới".
Mô hình điều trị tháp 3 tầng - yếu tố tạo nên bước ngoặt trong chống dịch
Nếu nhìn vào biểu đồ dưới đây thì có thể thấy rõ nhất những tín hiệu tích cực trong đợt dịch bệnh này: Cùng với số ca mắc mới COVID-19, thì số ca nặng đang giảm sâu, còn từ đầu tháng 10 này, số ca tử vong cũng tiếp tục có xu hướng giảm dần.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, biểu đồ dưới cho thấy: Số ca tử vong đã giảm hẳn. Thời điểm đỉnh dịch, ngày nhiều ca tử vong nhất là 23/8 với 340 ca. Nhưng 1 tuần nay đã duy trì ở mức 2 con số, như ngày 16/10 có 58 ca. Con số này chắc chắn sẽ còn thấp hơn trong những ngày tới. Điều này minh chứng rõ nhất cho sự chuyển biến tích cực trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bước ngoặt trong công tác chống dịch tại các điểm nóng trong đợt dịch thứ 4 này là những thay đổi linh hoạt, khoa học trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Điển hình là việc triển khai mô hình điều trị tháp 3 tầng. Cách thức này đã giúp giảm mạnh ca nặng, ca tử vong, giảm tải cho các tầng, tuyến cuối tại các điểm nóng về dịch, nhất là tại TP Hồ Chí Minh.
Mô hình điều trị tháp 3 tầng
Mô hình 3 tầng cụ thể như sau:
Tầng 1: TP triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp với các điều kiện bảo đảm an sinh và tại các cơ sở cách ly tập trung cấp quận/huyện cho người mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Tầng 2: Gồm các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện chuyển đổi công năng, tiếp nhận cấp cứu, điều trị F0 từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm bệnh lý nền.
Tầng 3: Là các bệnh viện tuyến cuối của thành phố và các trung tâm hồi sức được Bộ Y tế huy động tăng cường, đảm nhận hồi sức chuyên sâu ca nặng, nguy kịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp của TP Hồ Chí Minh thì việc củng cố các cơ sở điều trị ở cả 3 tầng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.
Vào giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng với số ca mắc tăng cao, thành phố HCM đã quyết định sắp xếp lại mô hình điều trị. Tầng thứ nhất được coi là chân đế vững chắc với việc quản lý F0 tại nhà. Đó là những trường hợp nhẹ, ít nguy cơ, được thành viên các trạm y tế lưu động theo dõi, chăm sóc định kỳ, hỗ trợ cấp cứu nếu có dấu hiệu chuyển nặng. Đặc biệt, họ sẽ sàng lọc, phân loại F0 để cung cấp các gói thuốc A, B của Sở Y tế và gói C của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, khu cách ly tại các quận/huyện được thiết lập thêm. Thậm chí tại nhiều phường/xã, các khu chung cư, trường học được chuyển đổi thành khu cách ly tập trung để kịp thời cách ly F0, hạn chế nguy cơ lây lan.
Việc kết hợp quản lý F0 có sự hỗ trợ của tổ y tế lưu động, có sự tư vấn từ xa và triển khai các gói thuốc, bệnh nhân được can thiệp kịp thời ngay khi có dấu hiệu thiếu oxy tại nhà, từ đó, việc chuyển bệnh nhân nặng đến bệnh viện giảm đi rất nhiều.
Với tầng điều trị thứ 2, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố đã cùng lúc chuyển đổi công năng rất nhanh, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, thiết lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến. Mục tiêu chính là để giảm số ca nguy kịch. Tuy nhiên, mô hình tử vong thời điểm đó đặt ra thách thức lớn với thành phố.
Có những giai đoạn, có đến 40% lượng bệnh nhân tử vong trong khoảng 72 giờ nhập viện. Con số này thể hiện rằng, sự tiếp cận cấp cứu bệnh nhân đã bị muộn và vì bị muộn nên khó có thể cứu, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Chính vì thế, cùng với 3 bệnh viện tuyến cuối tại thành phố, 5 trung tâm Hồi sức quốc gia đã được thiết lập thần tốc với các trang thiết bị máy móc hiện đại, cùng việc dồn toàn lực của ngành y tế với lực lượng hàng chục nghìn người tham gia hỗ trợ. Không chỉ cứu sống hàng nghìn ca cận kề cửa tử, các Trung tâm hồi sức còn là chỗ dựa về chuyên môn, tham gia trong chỉ đạo tuyến, hỗ trợ bệnh viện tầng 2 nâng cao chất lượng điều trị; chuyển tuyến phù hợp, đánh giá đúng nguy cơ để chuyển bệnh viện phù hợp, chuyển tuyến an toàn.
Nhờ áp dụng đúng chiến lược điều trị bằng mô hình tháp 3 tầng, từ đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía nam đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Dù số ca mắc mới vẫn chưa hạ nhanh, nhưng số bệnh nhân nặng cần cấp cứu đã giảm hẳn, hiện còn khoảng 3.500 ca.
Kiên quyết giữ thành quả chống dịch trong "bình thường mới"
Kết quả đạt được trong công tác chống dịch có thể khẳng định là rất tích cực và đáng mừng, từ đó chúng ta đang mở dần các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng phải khách quan, tỉnh táo thừa nhận: Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, nhiều nước đánh giá không thể có 1 xã hội zero COVID, mà xác định sẽ phải chung sống với dịch bệnh, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Như vậy, vấn đề đặt ra là bây giờ và thời gian tới là sẽ phải làm như thế nào, chống dịch sao cho hiệu quả, thực hiện đúng và nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ y tế để vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Một công thức chống dịch mới được đưa ra: 5K + vaccine, thuốc + công nghệ + ý thức người dân, trong đó 5K như chúng ta vẫn biết, đó là các biện pháp phòng dịch đơn giản nhất: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Có trải qua gian lao, cơ cực mới trân quý hơn giá trị của những ngày yên bình, của một cuộc sống bình thường. Hơn ai hết, người dân ở nhiều tỉnh thành phố ý thức được điều đó.
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường trên những con đường, tuyến phố, những khu vực công cộng. Nhìn những hình ảnh này để chúng ta ý thức về việc phải kiên quyết giữ được những thành quả chống dịch đã đạt được. Nếu không, sẽ là có lỗi với những người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh lợi ích bản thân để chiến đấu chống dịch trong suốt gần 2 năm qua, nhất là 5 tháng vừa qua.
Cùng trao đổi về chiến lược chống dịch thời gian qua và cách duy trì ổn định một cuộc sống bình thường mới trong chương trình Tọa đàm là các khách mời:
- Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Tổ trưởng Tổ công tác Đặc biệt của Chính phủ... thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố.
- Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh- Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đại biểu Quốc hội khóa XV.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!