Cuộc sống đời thường sẽ đổi thay thế nào với thẻ xanh COVID?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 28/09/2021 20:04 GMT+7

VTV.vn - Khi có thẻ, người dân sẽ thuận tiện trong đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt xã hội dựa theo mức độ kiểm soát dịch.

Thẻ xanh COVID là tấm giấy thông hành trong tình hình mới. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang lên kế hoạch với tấm thẻ này.

Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước đang tính toán để sớm hồi phục từ việc cấp thẻ xanh cho người dân.

Cuộc sống đời thường sẽ đổi thay thế nào với thẻ xanh COVID? - Ảnh 1.

Theo dự thảo của UBND TP Hồ Chí Minh:

Thẻ xanh COVID được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đối với loại vaccine tiêm 2 mũi: 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.

- Đối với vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson's Janssen): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.

- F0 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

- F0 tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.

Thẻ vàng COVID là những người đảm bảo điều kiện:

- Tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi (như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...) và đã qua 14 ngày.

- Có kết quả xét nghiệm định kỳ (3 ngày/lần) âm tính

Điều kiện chứng nhận đã nhiễm COVID-19

Thẻ xanh chung:

Hiểu đơn giản là muốn có thẻ xanh thì phải đảm bảo 2 điều kiện đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ 2 mũi hoặc người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm bùng phát dịch, nhiều trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, tự cách ly theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà nhưng chưa được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, phường xã, thị trấn xác nhận vì nhiều lý do khác nhau.

Về điều kiện chứng nhận đã nhiễm COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 thì cần phải tiêm vaccine.

Công nghệ góp phần giúp Hà Nội khống chế dịch bệnh

Cuộc sống đời thường sẽ đổi thay thế nào với thẻ xanh COVID? - Ảnh 2.

Trong cuộc sống số, những chứng nhận như thẻ xanh hay chứng nhận F0 khỏi bệnh sẽ được thể hiện trên những ứng dụng chống dịch. Các công nghệ này thời gian qua đã hỗ trợ tích cực các công tác truy vết, khoanh vùng, kiểm soát đi lại và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Như tại Hà Nội, sau gần 1 tuần Hà Nội nới lỏng giãn cách, chuyển sang thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 15, công nghệ thông tin đã có những đóng góp trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, dần đưa thành phố trở về cuộc sống bình thường mới.

Tạo điểm quét mã QR để ghi nhận có mặt và khai báo y tế là điều kiện để các cơ sở kinh doanh dịch vụ Hà Nội được hoạt động trở lại sau khi nới lỏng giãn cách. Ngày 22/9, chỉ một ngày sau khi được phép mở cửa lại, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm của Hà Nội, đã có 2.032 cơ sở kinh doanh lập điểm quét mã QR.

Việc người dân Hà Nội tích cực khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng Bluezone hoặc tokhaiyte.vn và cung cấp các thông tin dịch tễ cũng đã giúp Hà Nội có dữ liệu để nhanh chóng phát hiện các ca F0, truy vết, khoanh vùng dịch.

Ứng dụng công nghệ cũng giúp cho Hà Nội thực hiện thành công việc xét nghiệm diện rộng trong thời gian rất ngắn, một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát dịch.

Thành phố sử dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.

Việc áp dụng đồng bộ và nhanh chóng các nền tảng công nghệ góp phần giúp Hà Nội ngăn chặn những đợt bùng phát diện rộng, một điều kiện quan trọng để dần đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.

Thời gian qua thì Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một ứng dụng cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)" vì hiện người dân đang gặp bối rối không biết sẽ dùng ứng dụng nào để cập nhật thẻ xanh khi quá nhiều ứng dụng chống dịch.

Thực tế đã chứng minh hướng đi này là cần thiết. Đơn cử như ở Trung Quốc, một trong những biện pháp giúp nước này chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt diễn ra bình thường - đó là sử dụng thống nhất các mã quét sức khỏe.

Đồng bộ mã quét sức khỏe - Vũ khí chống dịch của Trung Quốc

Hầu như tất cả người trưởng thành đêu cài đặt các mã quét sức khỏe này. Với việc được sử dụng gần như thống nhất tại đất nước tỷ dân này, việc đồng bộ mã quét sức khỏe đã góp phần đáng kể giúp ngành chức năng ngăn dịch bệnh lây lan, doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế.

Cuộc sống đời thường sẽ đổi thay thế nào với thẻ xanh COVID? - Ảnh 3.

Vào trung tâm thương mại, công viên, khu vui chơi giải trí, các hội chợ đông ngẹt người thì mã quét sức khỏe QR cài trên điện thoại được ví như tấm vé thông hành vào cổng. Về mặt kỹ thuật, việc cài đặt ứng dụng là không bắt buộc, nhưng trên thực tế không thể di chuyển ở đất nước tỷ dân này nếu không cài mã quét sức khỏe QR. Vì thế một thời gian ngắn, hầu như tất cả người dân trưởng thành đều cài.

Từ 2 app sức khỏe trên Wechat và Alipay với gần 2 tỷ người dùng mà người dân tải xuống và khai thông tin cá nhân là có ngay mã quét với nhiều thông tin về tiêm vaccine, xét nghiệm. Hầu như các địa phương đều chấp nhận 2 mã quét này cùng một số mã quét của địa phương.

Khi người dân không đi tới những vùng dịch bệnh thì mã màu xanh, khỏe mạnh được di chuyển bình thường. Còn ai đi tới vùng dịch thì mã chuyển sang màu cam, màu đỏ phải đi cách ly.

Gần đây để thêm một tầng kiểm soát, nhiều địa phương còn bắt buộc người dân từ nơi khác đến phải quét thêm mã hành trình dữ liệu lớn. Mã này do 3 nhà di động, với 1,6 tỷ khách hàng, thiết kế để biết 14 ngày gần nhất chủ điện thoại có đến vùng dịch không.

Tất cả các mã quét đều kết nối với Cơ sở dữ liệu lớn (big data) địa phương và quốc gia để giúp ngành chức năng truy tìm người nhiễm hay phong tỏa diện hẹp các vùng dịch. Nhờ có nhiều tập đoàn công nghệ nội địa lớn, nước này dễ triển khai các giải pháp công nghệ vào chống dịch, nhất là cơ sở dữ liệu lớn cũng như độ phủ rộng của

Chiếc điện thoại kết nối 4G, 5G mà hầu như người trưởng thành nào cũng đều có là vật bất ly thân vì trong đấy là mã quét ví tiền điện tử, mã quét sức khỏe. Thống nhất về mã quét, cài một lần dùng lâu dài, sử dụng dễ dàng nên hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm, vì đó là một phần tất yếu cuộc sống

Chứng chỉ xanh COVID trong cuộc sống hàng ngày ở châu Âu

Nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục áp dụng chứng chỉ xanh COVID với các sự kiện hay dịch vụ trong nước. Người đã tiêm chủng đầy đủ có thể di chuyển tự do, không bị bó buộc cấm đoán như với người chưa tiêm chủng.

Cuộc sống đời thường sẽ đổi thay thế nào với thẻ xanh COVID? - Ảnh 4.

Chưa tiêm đủ 2 liều vaccine, bất tiện đủ đường, nhiều nước châu Âu bắt buộc những người làm việc ngành dịch vụ và y tế phải có chứng chỉ xanh thì mới được đến chỗ làm.

Chủ quán ăn phải tự thúc ép nhân viên của mình, chưa tiêm đủ 2 liều vaccine thì đừng đi làm, khỏi lĩnh lương.

Khách hàng đến ăn hay uống mà không có chứng chỉ xanh thì cũng không được ngồi lại trong quán, không được dùng nhà vệ sinh.

Không có mã QR thì không được tới những sự kiện đông người, bị cấm vào phòng tập, sân bóng, nhà hát, hộp đêm. Những nơi không cấm thì cũng phân biệt đối xử công khai. Nếu đi tàu hỏa nhưng chưa tiêm chủng, hành khách buộc phải lên toa riêng, ngồi đâu yên đó cách biệt và mang khẩu trang trong suốt chuyến đi còn ngược lại, đã tiêm chủng thì thoải mái, y như hồi chưa có dịch.

Đấy là tàu hoả, có nhiều toa riêng biệt, chứ máy bay chỉ có một khoang chung, thì chưa tiêm chủng không thể lấy được thẻ lên máy bay. Khi mới có vaccine, chứng chỉ xanh COVID đã là công cụ giúp các nước châu Âu mở cửa dần dần ngành dịch vụ, khôi phục hoạt động kinh tế. Nay khi vaccine dồi dào, chứng chỉ xanh là công cụ ép những người không muốn tiêm phải đi chủng. Không có chứng chỉ xanh COVID, tốn kém, bất tiện đủ đường.

Trước khi áp dụng thẻ xanh, một trong những điều căn bản nhất mà người dân tại những thành phố lớn không lên lơ là đó là quét mã QR đánh dấu nơi đến.

Tại Hà Nội, việc khai báo qua QR code đã được triển khai tại các chốt phòng, chống dịch; cửa ngõ ra vào Thủ đô; các cửa hàng bán mang về, siêu thị, sảnh chung cư... Nhiều người vẫn chưa thực sự coi trọng điều này, nếu không may tiếp xúc với nơi có dịch, công tác truy vết gặp nhiều khó khăn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước