Cưỡng ép học tập quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 26/10/2022 18:29 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định 16 hành vi bạo lực gia đình.

Chiều 26/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội Nguyễn Thuý Anh đã trình bày tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Hành vi bạo lực gia đình áp dụng cả với người đã ly hôn, sống như vợ chồng

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định rõ 16 hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cưỡng ép chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình…

Đáng chú ý, việc cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng được xem là một trong 16 hành vi bạo lực gia định quy định trong dự thảo Luật.

Cũng theo dự thảo Luật, 16 hành vi bạo lực gia đình cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Cưỡng ép học tập quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Lý giải về điều này, Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo bà Thúy Anh, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.

Theo đó, hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Cần quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả của người gây bạo lực gia đình

Góp ý về dự thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho biết, tại khoản 4 của dự thảo Luật có quy định đối tượng bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đại biểu Trang, để khả thi hơn, cần bổ sung thêm quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả của người bạo lực đối với người bị bạo lực.

"Phần lớn người bị bạo lực là người thân chung một gia đình, có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu chi bồi thường thiệt hại chắc chắn sẽ gặp khó khăn và khó áp dụng trong thực tế", đại biểu Trang cho biết.

Cưỡng ép học tập quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long)

Nữ đại biểu này cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung, người cung cấp thông tin về người bị bạo lực gia đình cũng phải có trách nhiệm trước pháp luật. Điều này nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo các thông tin cơ quan chức năng thu nhận được là thông tin chính xác.

Cũng như không để người có hành vi bạo lực lợi dụng mối quan hệ họ hàng, thân tộc, quan hệ cá nhân tác động làm nhiễu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, gây bất lợi cho người bị bạo lực. Hoặc người bạo lực, làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

Cưỡng ép học tập quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum)

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết. Do đó, cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình.

Dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay song đại biểu cho rằng sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hàng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước