Nước chảy chỗ trũng
Trong vòng một tháng trở lại đây, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ sạt lở gây tổn thất cả người và tài sản, sau sạt lở là ngập cục bộ. Câu chuyện không chỉ là do thiên tai mà còn liên quan đến việc quy hoạch căn cơ bền vững. Đây không chỉ là góc nhìn từ thành phố Đà Lạt mà còn cho cả những vùng có địa hình tương tự.
Sau gần hai giờ, cơn mưa chiều 12/7 đã khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Đà Lạt ngập chìm trong nước. Suối Tô Ngọc Vân đường Phan Đình Phùng bình thường xâm xấp nước. Sau cơn mưa nước cuồn cuộn chảy không còn thấy đâu là bờ. Đường Phan Đình Phùng người xe di chuyển khó khăn trong dòng nước đục ngầu đỏ quạch.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết: "Đã qua một thời gian dài chúng ta quản lý kênh suối chưa tốt để người dân lấn chiếm lòng suối. Trên dòng suối Cam Ly có những khối đá tự nhiên nhô ra cản trở gây ngập lụt. Còn nếu đánh giá là do nhà lưới, nhà kính của người dân sản xuất nông nghiệp, nước không thấm gây ngập lụt thì chúng tôi đánh giá chỉ là nguyên nhân rất nhỏ thôi".
Thành phố Đà Lạt ngập chìm trong nước sau mưa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng nhà lưới, nhà kính mọc lên quá nhiều cộng với quá trình phát triển đô thị hóa là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt sau mưa.
Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định: "Nhà kính làm bằng nhựa nhưng nó cũng giống bê tông hóa, tất cả nước rơi xuống thì đều trôi tuột đi và nước từ trên cao xuống thấp rất nhanh. Bên cạnh đó, quá trình bê tông hóa làm tăng mật độ, tăng diện tích sàn lên nhưng hệ thống hạ tầng không tương xứng, những yếu tố này cộng lại thì chuyện Đà Lạt ngập là tất yếu".
Nhà kính phát triển trên đất Lâm Đồng
Theo số liệu từ thành phố Đà Lạt, mô hình nhà kính phát triển tại Đà Lạt từ những năm 2000 và cho đến nay, thành phố đã có gần 3.000 ha nhà kính của nông dân và các công ty trồng rau, trồng hoa công nghệ cao.
Thời gian vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiên quyết phá bỏ hơn 70 ha nhà kính xây dựng trái phép và phấn đấu trong những năm tiếp theo vận động người dân chuyển đổi khoảng 700 ha trên tổng số 3.000 ha nhà kính sang trồng cây rau màu ngoài trời.
Nhà kính và hệ lụy nếu phát triển thiếu kiểm soát
Đến nay, thành phố Đà Lạt đã có gần 3.000 ha nhà kính của nông dân và các công ty trồng rau, trồng hoa công nghệ cao.
Để hiểu rõ hơn về mô hình nhà kính, phóng viên VTV đã tìm đến các địa phương của những vùng chuyên canh rau củ quả trong nhà kính tại tỉnh Lâm Đồng, qua đó cũng đã cho thấy những mặt tích cực và những hệ lụy từ các mô hình này nếu như phát triển mà thiếu đi kiểm soát.
Những người trồng hoa ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, một con suối trên địa bàn trước đây chỉ 1m nhưng nay đã rộng quá 3m. Hai bên bờ thì lau cỏ mọc um tùm - đó là giải pháp chống sạt lở. Khi có những cơn mưa lớn, toàn bộ khu vực này đều bị ngập úng. Câu chuyện đi vào vòng lẩn quẩn - khơi thông dòng chảy thì sạt lở, nhưng không khơi thông sẽ ngập úng. Vậy nước từ đâu đến? Nước chính từ những nhà kính đổ ra.
Ông Hồ Phước Giá - nông dân phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là một trong số ít người ở cái tuổi U70 còn sót lại bám nghề ở làng hoa. Theo cha mẹ lên đất Lâm Đồng từ khi 6 tuổi bám trụ với nghề nông và cũng từng là Phó Chủ tịch phường 12 một nhiệm kỳ, hơn ai hết ông hiểu rõ chuyện "nước đổ chỗ trũng'.
Còn tại một trong những nhà kính mà nông dân Nguyễn Văn Thắng tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, cách Đà Lạt 30km vừa mới xây dựng, nước mưa từ mái nhà kính được thu gom vào hồ để tái sử dụng.
Giải pháp cũng đã có nhưng để thực hiện và thay đổi bài bản, quy mô như gia đình anh Thắng thì không phải nông dân nào tại thành phố Đà Lạt cũng làm được. Điều đó rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để 700 ha nằm trong kế hoạch vận động chuyển đổi một phần theo kế hoạch mới thật sự có kết quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!