Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong?

Đỗ Hòa-Chủ nhật, ngày 07/06/2020 17:13 GMT+7

VTV.vn - Phương án tái sử dụng hơn 100 cây xanh, trong đó có hàng chục cây xà cừ cổ thụ được đánh chuyển từ đường Kim Mã về vườn ươm Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội vẫn là khoảng trống...

Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu chưa hoàn tất

Theo biên bản làm việc vào ngày 1/6 vừa qua giữa Ban Quản lí Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB), chủ đầu tư của dự án đánh chuyển số cây xanh này với Công ty Cổ phần Beepro – nhà thầu thi công dự án, cùng các ban ngành liên quan, thì trong tổng số 104 cây được ươm trồng tại đây, có 21 cây chết, 2 cây sinh trưởng kém, 81 cây sống. Tỷ lệ cây sống vào khoảng gần 80%.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 1.

Đại diện MRB phủ nhận việc đã bỏ mặc số cây này trong thời gian qua. "Chúng tôi từ góc độ chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo công ty Beepro là chưa bao giờ có việc bỏ bẵng chăm sóc cây xanh ở đây cả. Bởi vì chúng tôi đôn đốc hàng tháng, ba tháng một lần đi sang kiểm tra cùng với công ty Beepro. Còn những buổi kiểm tra để đánh giá cây sống cây chết thì chúng tôi mời các cơ quan liên ngành" – Ông Trần Tuấn Anh, Phó phòng Thực hiện Dự án 1, MRB cho biết.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 2.

Biên bản kiểm tra cây xanh liên ngành

Về phía Công ty Beepro, đơn vị này cung cấp được 03 biên bản kiểm tra liên ngành hiện trường cây sau khi di chuyển tại vườn ươm, với mốc thời gian gần nhất là tháng 6/2017 – trước khi có cuộc kiểm tra, đánh giá vào ngành 01/06 vừa qua cùng với quan điểm: "Trong hợp đồng chỉ có công việc đánh chuyển cây xanh từ Kim Mã về đến vườn ươm. Công việc chăm sóc chỉ diễn ra trong 1 năm thôi – nhưng trong 4 năm vẫn diễn ra. Chúng tôi đã gửi văn bản lên để kiến nghị việc kết thúc hợp đồng. Và bàn giao lại số cây xanh nhưng hiện tại vẫn chưa được phản hồi".

Công ty này khẳng định hơn 100 cây xanh là tài sản công. Việc xử lí số cây này không phụ thuộc vào mình vì đã kết thúc hợp đồng. Đơn vị này cũng cho biết khoản kinh phí trên 5 tỷ cho dự án đến giờ họ cũng vẫn đang chờ để được nhận đủ.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 3.

Ông Vũ Trí Thạch, Đại diện Công ty CP Beepro

Lý giải vấn đề này, đại diện MRB cho biết: "Hợp đồng với Công ty Beepro thì chúng tôi nói rồi. Chúng tôi đang báo cáo Sở Xây dựng với UBND thành phố để giải quyết vướng mắc khó khăn về đơn giá hợp đồng. Vì lần đầu tiên thực hiện. Khi tháo gỡ được rồi thì có căn cứ quyết toán hợp đồng với Beepro". Cũng theo ông này, thì MRB đang yêu cầu Công ty Cổ phần Beepro cử những cán bộ chất lượng để thực hiện việc này và sẽ cố gắng để 6 đến 7 tháng nữa kết thúc vì không muốn dây dưa, kéo dài.

Khoảng trống cho phương án tái sử dụng hơn 100 cây xanh

Không chỉ vướng mắc về đơn giá đặc thù dẫn đến việc kéo dài thời gian tất toán hợp đồng, phương án chăm sóc và tái sử dụng hơn 100 cây xanh sau gần 4 năm đánh chuyển vẫn đang bỏ trống trong sự chờ đợi lẫn nhau của các đơn vị liên quan. Đại diện MRB cho biết "từ năm 2017, đơn vị này đã có những văn bản báo cáo gửi Sở Xây dựng về việc dịch chuyển nhưng các cơ quan chuyên ngành vẫn đang có cân nhắc về vị trí nên cũng chưa hướng dẫn".

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng Phụ trách Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng Phụ trách Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, lại khẳng định đơn vị này vẫn chưa nhận được các văn bản, báo cáo về nội dung đánh chuyển cây xanh từ phía MRB bởi đến thời điểm hiện tại, đơn vị này mới đang tiến hành khảo sát, kiểm tra để lập phương án báo cáo. "Quan điểm của chúng tôi là sau khi Ban Quản lí đường sắt hoàn thành dự án cũng như các vấn đề liên quan đến nhà thầu, có báo cáo để bàn giao số cây xanh ấy về cho thành phố thì Sở Xây dựng sẽ phối hợp để báo cáo thành phố phương án di chuyển đến địa điểm mới…Còn thời gian khi nào phối hợp và thực hiện thì phải chờ Ban quản lí đường sắt" – ông này cho biết.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 5.

Ông Lê Huy Cường, chuyên gia cây xanh và ông Trần Tuấn Anh, đại diện MRB trong buổi khảo sát ngày 1/6

Theo ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên gia về cây xanh được chính MRB mời trong buổi khảo sát ngày 1/6, khoảng trống trong phương án tái sử dụng hơn 100 cây xanh này là thiếu sót ngay từ khâu đầu thực hiện dự án. "Chúng ta đưa cây về đây ươm rồi chúng ta chưa nghĩ đến việc sẽ trồng nó ở đâu, sử dụng nó như thế nào? Chúng ta mới đưa nó về đây để chứng minh rằng à đánh chuyển cái cây xà cừ này là có thể sống được… Còn sống được và sử dụng như thế nào thì người ta chưa nghĩ đến" – ông Cường chia sẻ.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 6.

Cũng theo ông Cường, phương án đánh chuyển số cây xanh này lần thứ hai cần sớm được thực hiện. Bởi việc đánh chuyển lần hai với thời gian giãn cách quá lâu, khi bộ rễ cây đã tiếp tục phát triển mạnh, sẽ khiến cây bị tổn thương nhiều hơn. Tỷ lệ sống của cây vì vậy có thể sẽ tiếp tục giảm xuống. Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết, số cây lớn này, đặc biệt là cây xà cừ, không nên trồng trên các tuyến phố Hà Nội: "Đưa cây này đến đường phố Hà Nội thì nó là một tai họa".

Bài toán kinh tế và môi trường khi đánh chuyển cây

Dự án đánh chuyển cây xanh trên đường Kim Mã tháng 10/2016 là dự án thí điểm đầu tiên về việc di chuyển cây xanh tại Hà Nội. Tỷ lệ cây sống 80% với những cây cổ thụ, đường kính trên dưới 1m cũng được xem là thành công. Thế nhưng, theo ông Cường, từ việc số cây này đến nay vẫn chưa có phương án tái sử dụng đã đặt ra vấn đề về bài toán kinh tế và môi trường với những loại cây không được ưu tiên là cây đô thị khi đánh chuyển.

Đánh chuyển hơn 100 cây xanh trên đường Kim Mã: Cứ thế là... xong? - Ảnh 7.

Ông Cường nói: "Công đánh cái cây tốn. Công vận chuyển cây rất tốn. Công chăm sóc ra lá ra cành như thế này cũng rất tốn. Công đánh chuyển đi một lần nữa cũng tốn không kém. Như vậy tốn bao tiền? Ba bốn lần tiền công như thế? Những cây này nếu là cây quý thì có cần phải bỏ ra một số lớn như thế để đánh chuyển nó không? Chúng ta phải tính đến bài toán kinh tế và bài toán môi trường. Chứ không phải mang cái cây thật lớn về trồng, nó ra lá, ra cành rồi thì để đấy. Vấn đề là sử dụng nó như thế nào?"

Hiện, trên đường phố Hà Nội đang có hơn 100 loại cây xanh. Vậy nên, theo ông Cường, ở các dự án sau, việc di chuyển cây gì, đi đâu, các đơn vị thực hiện phải tìm hiểu giá trị của các loại cây, lên phương án đánh chuyển như thế nào, hiệu quả ra sao, tránh tình trạng tốn kém tiền của nhưng lại chưa thể mang lại giá trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước