Tại Hà Nội, 100% khu vực nội thành đã có nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn và con số này ở ngoại thành là gần 80%. Đây là thành quả sau nhiều giải pháp nỗ lực từ phía thành phố.
Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án nước sạch có quy mô lớn nhất trong 14 dự án cung cấp nước của Hà Nội. Tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, máy móc dừng hoạt động, chỉ sản xuất có nửa ngày.
Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Nguyên nhân là bởi, hiện sản lượng nước mà nhà máy bán ra cho Hà Nội chỉ đạt từ 150.000 - 160.000 m3/ngày đêm, chỉ bằng một nửa công suất thiết kế. Ngoài ra, từ khi nhà máy bắt đầu bán nước vào tháng 1/2019 đến nay, giá nước bán buôn tạm tính cho các công ty nước của Hà Nội vẫn ở mức rất thấp.
Còn với Công ty CP Viwaco, việc bán lẻ nước sạch cho người dân khu vực ngoại thành cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Chi phí đầu tư cho khu vực này cao hơn nội thành nhưng không ít hộ được đưa nước đến cửa nhà mà vẫn không dùng khối nước nào. Lý do là bởi người dân vẫn thích dùng nước giếng khoan của các trạm cấp nước của xã.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện cơ quan chức đang rà soát các trạm cấp nước cấp xã còn tồn tại trên địa bàn Hà Nội. Nếu trạm nào đã hết hạn sẽ dừng và không tiếp tục cấp phép. Lộ trình là năm 2020, tỷ lệ nước ngầm khai thác giảm xuống chỉ còn đạt 30% tổng nguồn cung nước sạch của Hà Nội; năm 2030, còn dưới 20% và đến năm 2050 còn dưới 15%. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ còn rút ngắn hơn nữa vì nước ngầm đang ngày một ô nhiễm nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!