Đề xuất giảm 100 chứng chỉ với công chức, viên chức: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bớt phiền toái

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/07/2021 06:26 GMT+7

VTV.vn - Sau khi bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Bộ Nội vụ đang kiến nghị giảm hơn 100 chứng chỉ bồi dưỡng bắt buộc với công chức, viên chức. Đề xuất này có khả thi?

Bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là rất kịp thời

Việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003. Số lượng chứng chỉ bắt buộc hiện tại lên tới hơn 200.

Không phủ nhận hệ thống này góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhưng những mặt trái, gánh nặng của nó dường như càng ngày càng lớn hơn.

Vì thế mới đây, Bộ Nội vụ ban hành thông tư chính thức bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức chuyên ngành hành chính và văn thư từ 1/8 đã tạo ra một tâm lý hết sức phấn chấn với các công chức, viên chức.

Đề xuất giảm 100 chứng chỉ với công chức, viên chức: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bớt phiền toái - Ảnh 1.

Chúng chỉ tin học, ngoại ngữ. Ảnh minh họa.

Theo qui định hiện hành, để được tuyển dụng vào công chức, viên chức, người dự tuyển bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Muốn nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức cũng phải hoàn thiện nhiều chứng chỉ khác theo chức danh nghề nghiệp. Riêng cán bộ, muốn được bổ nhiệm cũng phải có 7 văn bằng chứng chỉ.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định hiện hành đang là những "giấy phép con" gây khó cho công chức, viên chức. Để khắc phục bất cập này, thông tư vừa được Bộ Nội vụ ban hành chính thức bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư bắt đầu có hiệu lực từ 1/8 tới đây.

Đánh giá về quy định mới này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Đây là việc làm rất cần thiết và kịp thời. Mặc dù chúng ta không phủ nhận giai đoạn đầu, nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực công chức, viên chức thì mỗi người phải trang bị về kiến thức tin học ngoại ngữ. Nhưng so với xu thế phát triển, việc bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là không cần thiết".

Đề xuất giảm 100 chứng chỉ với công chức, viên chức: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bớt phiền toái - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh, việc tiết kiệm 1.200 tỷ đồng chi phí xã hội là con số rất lớn trong bối cảnh hiện nay với dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế. Về mặt xã hôi, quyết định mới cũng làm triệt tiêu những tiêu cực phát sinh như tội phạm làm giả bằng cấp, cơ sở đào tạo "mua bán" bằng cấp…

Làm sao để cắt giảm chứng chỉ nhưng không giảm chất lượng

Đề xuất giảm 100 chứng chỉ với công chức, viên chức: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bớt phiền toái - Ảnh 3.

Thế giới hiện đã áp dụng nhiều bộ đánh giá chất lượng công việc rất hữu dụng như KPI, BSC hay OKR

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chỉ là 2 trong số hơn 200 chứng chỉ đang tồn tại. Còn nhiều loại chứng chỉ "đặc thù nghề nghiệp" khó bị loại bỏ vì những lý do rất hợp lý như "đảm bảo chất lượng công chức, viên chức".

Nhưng mới đây, Bộ Nội vụ đã chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chiếm 27% số chứng chỉ công chức hiện hành và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, chiếm 60% số chứng chỉ viên chức hiện tại.

Một số chứng chỉ chuyên ngành được đề xuất giảm:

Khối công chức: Giảm mạnh nhất là chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ : 15/19 chứng chỉ, tương đương 79%

Khối viên chức:

Chuyên ngành Y, Dược: đề xuất giảm 9/18 chứng chỉ, tương đương 50%

Chuyên ngành Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và Du lịch:9/16 chứng chỉ, tương đương 56%

Chuyên ngành Giáo dục đào tạo: 13/20 chứng chỉ, tương đương 65%

Chuyên ngành thông tin và truyền thông: 18/26 chứng chỉ, tương đương 69%

Chuyên ngành lao động, xã hội, Giáo dục nghề nghiệp: 12/15 chứng chỉ, tương đương 80%

Bằng cấp, chứng chỉ là một nền tảng để đào tạo nhưng bằng cấp, chứng chỉ không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất của mỗi người. Đồng thời thực tế cho thấy nhiều chương trình bồi dưỡng nặng về lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình khác nhau.

Đó là cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ. Nhưng làm thế nào để cắt giảm chứng chỉ nhưng không làm giảm chất lượng công chức, viên chức cũng là vấn đề đặt ra.

Về vấn đề này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết: "Các bộ ngành phải tự rà soát các nội dung chương trình bồi dưỡng. Đối với mỗi nhóm ngạch công chức, viên chức chuyên ngành chỉ cần 1 loại chứng chỉ tích hợp các nội dung vào để việc đào tạo cán bộ công chức, viên chức vẫn là chủ trương đúng đắn và tiếp tục thực hiện, nâng cao chất lượng bồi dưỡng thời gian tới".

Đề xuất giảm 100 chứng chỉ với công chức, viên chức: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bớt phiền toái - Ảnh 5.

Ông Trương Hải Long đề nghị, cần khẩn trương rà soát lại nội dung chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở bồi dưỡng, đổi mới phương thức đào tạo - bồi dưỡng để phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, tránh sự trùng lặp…

Bộ Nội vụ còn kiến nghị không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng không quá 8 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề chất lượng công chức viên chức, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết: "Thế giới không quan tâm tới chứng chỉ mà quan tâm tới bộ đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với tiêu chí đặt ra để đối chiếu. Với sự cải cách hiện nay, chúng ta phải đồng thời nghiên cứu ngay những bộ đánh giá để chuẩn hóa tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tạo ra động lực để phát triển, sự công bằng, thúc đẩy cho những người có năng lực thực sự…".

Nếu loại bỏ, cắt giảm được các chứng chỉ như Bộ Nội vụ đề xuất thì đây không chỉ là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính mà còn là sự thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.

Cần phải nhấn mạnh, chứng chỉ không có lỗi. Nhưng tùy vị trí việc làm để xem chứng chỉ ấy có thực sự cần thiết hay không. Phải để việc học và cấp các chứng chỉ là nhu cầu tự thân của mỗi viên chức để đáp ứng các yêu cầu trong công việc của họ. Như vậy mới phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quy luật cung - cầu.

Giảm gánh nặng chứng chỉ cho công chức, viên chức: Quyết định rất đúng đắn và hợp lòng dân Giảm gánh nặng chứng chỉ cho công chức, viên chức: Quyết định rất đúng đắn và hợp lòng dân

VTV.vn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, giảm gánh nặng chứng chỉ là cần thiết bởi quy định quá nhiều chứng chỉ đã "làm khổ" công chức, viên chức nhiều năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước