Đề xuất quy định khai thác đất phụ cận ga đường sắt

PV-Thứ năm, ngày 10/10/2024 14:09 GMT+7

VTV.vn - Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang xin ý kiến rộng rãi, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Cấp tỉnh được quy hoạch, đầu tư, khai thác đất phụ cận ga

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt là việc Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất vùng phụ cận ga đường sắt (quỹ đất), đầu tư hạ tầng kỹ thuật nếu có để giao đất, cho thuê đất phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt được quy định thực hiện cụ thể: Trên cơ sở quy hoạch tuyến, ga đường sắt quốc gia và quy hoạch hệ thống đường sắt địa phương trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

Trong vùng phụ cận ga đường sắt, UBND cấp tỉnh được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Đối với khu vực có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt trong quy hoạch phân khu hoặc tương đương và không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Về thẩm quyền quyết định đối với dự án khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, dự thảo đề xuất: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án khai thác quỹ đất; quyết định việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.

UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án khai thác quỹ đất, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần; quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, thẩm định được thực hiện như dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

HĐND cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án khai thác quỹ đất theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tạo nguồn lực mới, tái đầu tư đường sắt

Về cơ chế sử dụng tiền thu từ khai thác quỹ đất sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đề xuất, đối với tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt địa phương, chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ lại 100%.

Đối với tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia, chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách Trung ương.

Lý giải về đề xuất bổ sung nội dung khai thác quỹ đất, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, khi đầu tư các dự án đường sắt mới, việc khai thác các khu đất quanh ga để phát triển các khu dịch vụ, thương mại, đô thị đã tạo ra nguồn lực lớn để tái đầu tư cho đường sắt.

Tại Việt Nam, đã có các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng khu vực xung quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, các khu chức năng, tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu và được Quốc hội cho phép thí điểm mô hình này.

Từ thực tiễn này, theo Cục Đường sắt Việt Nam, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn hẹp như hiện nay, rất cần thiết bổ sung thêm trong Luật Đường sắt nội dung quy định về khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là các khu ga, khu vực quanh ga gắn với quy hoạch phát triển đô thị, từ đó tạo ra nguồn lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế, tối ưu hóa nhu cầu đi lại.

Trong đó, đất khu vực xung quanh ga đường sắt để phát triển đô thị, các khu dịch vụ thương mại không thuộc phạm vi đất ga đường sắt, không phải là đất dành cho đường sắt. Do đó việc lập dự án đầu tư đất khu vực xung quanh ga đường sắt để phát triển đô thị, các khu dịch vụ thương mại hoàn toàn độc lập với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ đây, bổ sung quy định địa phương được sử dụng ngân sách của địa phương để lập dự án đầu tư công độc lập (với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt). Trong đó, địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực đất quanh ga, làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Việc này không chỉ mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế mà còn tạo ra nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tối ưu hóa nhu cầu đi lại. Nguồn thu từ việc khai thác phát triển quỹ đất xung quanh ga được ưu tiên một phần để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt", đại diện Cục Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước