Từ đầu tuần đến giờ, hẳn cảm giác nắng nóng đến cháy da cháy thịt là điều ám ảnh nhiều người dân nhất. Đi ngoài đường giữa thời tiết đổ lửa, hẳn nhiều người ao ước, giá lúc này được ngồi ô tô bật điều hòa mát lạnh, ví dụ ngồi Mercedes chẳng hạn, đi một vòng Hà Nội thì thích phải biết. Nhưng thôi, hãy tỉnh lại đi nào vì mấy ai có "mẹc" để đi đâu.
Ngồi xe "mẹc" mát lạnh là giấc mơ nhiều người ao ước
Nắng nóng thì dĩ nhiên mọi thiết bị làm mát trong nhà đều được trưng dụng tối đa. Thế nhưng, lúc nhận được hóa đơn tiền điện thì cũng là lúc một số người lại thấy lạnh toát sống lưng, kiểu như thấy tuyết rơi trong mùa Hè vậy.
Tiền điện tăng: Lỗi do thời tiết với cái công tơ?
Nắng nóng gay gắt đã bao trùm miền Bắc, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên hóa đơn tiền điện cũng chỉ có thể tăng mà chưa giảm. Lưu ý trong những nắng nóng, ngoài việc uống đủ nước, còn phải bổ sung các loại vitamin tốt cho thị giác, để nhìn kĩ hóa đơn tiền điện nhà mình.
Tại xã Kim Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An, một khách hàng hoảng hốt khi nhận hóa đơn tiền điện lên tới 16 triệu đồng, tăng gấp 32 lần so với giá tiền thực phải thanh toán.
Một hộ gia đình tại Quảng Bình cũng rơi vào trạng thái hoang mang không kém khi nhận được hóa đơn tiền điện là 58 triệu đồng, so với giá tiền phải trả những tháng trước là khoảng năm trăm nghìn đồng.
Còn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, một gia đình thuộc diện hộ nghèo chắc hẳn cũng mất ăn mất ngủ, khi nhận được thông báo nộp tiền điện với số tiền lên tới hơn 89,3 triệu đồng. Điều đáng nói, gia đình này chỉ có 3 nhân khẩu. Hàng tháng gia đình chỉ đóng tiền điện khoảng 200 số và không có nhiều thiết bị điện. Số tiền lớn đến nỗi gia chủ tưởng chỉ là khoảng 89.000 đồng.
Hoá đơn tiền điện tăng, xin được khẳng định, lỗi đầu tiên chắc chắn là do thời tiết, rồi thứ nhì mới đến yếu tố con người.
Thứ nhất lỗi do thời tiết, thứ nhì chắc chắn lỗi tại cái công tơ
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay đang có hai phương pháp. Thứ nhất, ghi từ xa đối với công tơ điện tử. Theo EVN, việc này gần như chính xác 100% vì con người không thể tác động vào. Cách thứ hai là ghi chỉ số công tơ cơ, người công nhân phải ra hiện trường ghi chỉ số.
Với phương pháp đầu tiên, chưa hẳn là chính xác 100%. Bởi trong câu chuyện người dân ở huyện Vân Đồn nhận hóa đơn gần 90 triệu đồng tiền điện, theo lãnh đạo công ty điện lực Quảng Ninh, nguyên nhân là do máy đo trên công tơ điện bị sai do thời điểm ghi chỉ số thời tiết có mưa, mắt đọc trên công tơ điện tử bị đọng nước dẫn đến nhiễu loạn thông tin.
Còn với phương pháp thứ hai, thì lại phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của công nhân ghi chỉ số điện. Tại TP.HCM, giải thích về hóa đơn tiền điện của một khách hàng tăng, điện lực Gò Vấp đã phản hồi, do nắng nóng vào buổi trưa nên công nhân ghi nhầm chỉ số điện. Tựu chung lại, thứ nhất lỗi do thời tiết, thứ nhì chắc chắn lỗi tại cái công tơ.
Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc. Trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, sự khác biệt không có nhiều. Tuy nhiên, nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên tương đương 401 kWh phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.
Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh các phương án để quý 3 năm nay trình Chính phủ cách tính tiền điện theo thang bậc mới. Trong đó Bộ nghiên cứu sâu về phương án 5 bậc. Theo phương án này, khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng thì tiền điện sẽ thấp hơn so với cách tính cũ. Trường hợp sử dụng trên 700kWh/tháng thì tiền điện sẽ cao hơn. Bên cạnh đó Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp điện sẽ cơ bản hoàn thành sớm việc lắp đặt công tơ điện tử cho toàn bộ khách hàng vào năm 2025.
Trong khi chờ đợi mức tính giá điện mới, thì người dân hẳn sẽ vẫn thấp thỏm chung sống với hóa đơn tiền điện tiềm ẩn những điều vô lý.
Phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng có cái lý của nó, để khiến những thứ đang tồn tại vô lý có thể trở nên hợp lý hơn: "Nếu công tơ sai thì tháo xuống. Tháo xuống ai kiểm tra? Ngành điện kiểm tra chứ ai. Nếu người dân vẫn không tin thì nên nhờ đến đơn vị kiểm định độc lập".
Đi bơi cho mát là… rộng đường đến bệnh viện
Nắng nóng thế này, để tiết kiệm tiền quạt, điều hoà, nhiều người cho con em mình đi bơi để giải nhiệt. Thế nhưng, thay vì chọn các hồ bơi thông thường, điểm đến của họ lại là những bãi tắm tự phát như hồ Tây hay khu vực sông Hồng.
Được biết, những người thường xuyên ra đây bơi lội chủ yếu ở các khu vực khác. Một số người chủ quan, không mang áo bơi hay phao bơi.
Với những người trong cuộc, việc bơi lội cho mát mẻ tưởng chừng là điều rất hợp lý, nhưng nó lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ liên quan đến sức khoẻ. Khi người dân tự ý biến hồ điều hòa thành hồ bơi, thì cũng có thể sau khi đi bơi cho mát là… rộng đường đến bệnh viện.
PSG.TS. Phạm Ngọc Châu - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Vệ sinh y học dự phòng, Học viện Quân Y nhấn mạnh: "Hiện nay có thể nói là những hồ của Hà Nội là nơi tiếp thu hay là cái thủy vực tiếp thu nguồn nước thải. Rõ ràng người tắm hồ sẽ có những nguy cơ về mặt sức khoẻ. Dễ nhận thấy nhất là viêm da niêm mạc, ví dụ viêm kết màng mắt, tắm hồ xong dễ đau mắt, viêm tai do nước vào tai, mức độ nặng hơn thì viêm da. Thế còn những ô nhiễm hóa chất về lâu dài thì là quá trình lâu dài, mãn tính. Điều này lại khó nhận biết và chính khó nhận biết nên hết sức phải cẩn thận".
Theo thống kê, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Các phụ huynh cần sáng suốt lựa chọn nơi bơi lội cho con trẻ, để mùa hè của các con không chỉ vui, mà còn được an toàn.
Không phải ai mặc áo trắng cũng là soái ca
Nắng nóng dữ dội ban ngày, người dân chỉ còn cách cầu mong đến chiều tối trời dịu mát. Có những đối tượng thì chỉ mong phố đi bộ cuối tuần càng đông càng tốt, bãi gửi xe càng kín càng vui. Đó là những con người đang kiếm sống bất hợp lý từ những thứ tưởng chừng là hợp lý.
Nhiều người đến phố đi bộ Hà Nội vui chơi, ai dè đâu, lúc về lại thấy buồn.
Buồn vì trước đó xe vẫn chạy bon bon, lúc về bỗng nhiên xe chết máy.
Buồn rồi lại thấy vui, vì đột nhiên có những "thiên thần áo trắng" xuất hiện một tình cờ dưới danh nghĩa, đội sửa xe lưu động.
Các anh sửa xong, xe lại chạy bon bon, nhưng chưa kịp vui, thì lại buồn, vì hóa đơn toàn lên đến hàng trăm nghìn đồng.
Rốt cục, chả biết nên buồn hay nên vui, chỉ biết tâm trạng tan rất chậm.
Chân dung một anh "thiên thần áo trắng"
Một tối có khoảng 16 đến 18 nạn nhân bị rơi vào cái bẫy của các anh "thiên thần áo trắng" đội lốt sửa xe cơ động. Mánh khóe của các anh là rút bô bin sườn cấp nguồn điện cao thế cho bugi của một số xe như Airblade hay Vision.
Một nguồn IC mới giá chính hãng chỉ vài chục nghìn đồng mà qua các đối tượng sửa xe trá hình lên đến hàng trăm nghìn đồng. Thậm chí, để lừa đảo được nhiều người, các đối tượng này còn đăng ký số điện thoại sửa xe lưu động trên top 1 của trang tìm kiếm Google. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác, tránh bị mất tiền oan bởi những điều tưởng chừng rất hợp lý.
Nói đơn giản là, không phải ai mặc áo trắng cũng là soái ca.
Nắng nóng gay gắt dự báo vẫn còn tiếp diễn nên người dân sẽ vẫn phải tìm mọi cách để chung sống với thời tiết khắc nghiệt này.
Để giảm bớt nhiệt bởi những thứ vô lý vẫn đang tồn tại xung quanh ta, quý vị có thể sáng chế, hay tìm mua những chiếc khẩu trang vẽ mặt cười.
Nhìn là cứ đinh ninh người xung quanh ta đang cười, và còn cười rất tươi, dù thực tế có thể đang khóc dở mếu dở vì thời tiết khắc nghiệt dưới lớp khẩu trang, hay xe bỗng nhiên bị hỏng bởi một anh cứu hộ tự phong từ trên trời rơi xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!