Tuần qua chắc chắn là khoảng thời gian khó khăn với các tư vấn viên của ngành bảo hiểm. Nếu gặp khách khó tính, sẽ phải đối mặt với một tá chất vấn về chuyện của một nữ diễn viên, cho dù nó chả liên quan gì đến mình. Còn khách có mát tính thì cũng chẳng dễ để họ ký vào hợp đồng nhanh như trước.
Lịch sử ngành bảo hiểm nhân thọ
Bảo hiểm nhân thọ vốn tồn tại từ rất xưa. Ở thể sơ khai nhất là thời La Mã cổ đại, khi một vị tướng đã lập ra một loại quỹ để chi trả tiền tang lễ cho các binh sĩ đã hy sinh và hỗ trợ tài chính cho những người sống sót. Năm 1706, công ty đầu tiên cung cấp bảo hiểm nhân thọ ở thời hiện đại đã được thành lập tại London với phương thức là mỗi thành viên từ 12 đến 55 tuổi sẽ thanh toán phí hàng năm để rồi vào cuối năm, một phần tiền sẽ được chia cho vợ con của các thành viên đã mất.
Lịch sử cho thấy, dù ở thời nào, gốc rễ của bảo hiểm nhân thọ đều là để dự phòng cho lúc hoạn nạn và giúp người thân bớt gánh nặng khi mất đi trụ cột tài chính. Nhưng khổ nỗi con người lại là giống loài rất nhạy cảm với chuyện thiệt - hơn nên thường chúng ta sẽ nhìn vào khía cạnh "mất tiền" thay vì "được bảo vệ". Sự phức tạp bắt đầu phát sinh từ đó. Để hút khách, sản phẩm bảo hiểm không chỉ để bảo vệ mà còn phải biết sinh lời. Và khi "sinh lời" lại trở thành vế chính trong cách mời chào của tư vấn viên thì những "điểm mù" trong nhận thức của khách hàng cũng xuất hiện.
"Điểm mù" khi nhận tư vấn bảo hiểm hứa sinh lời
Anh Nguyễn Thanh Tùng - chuyên viên tư vấn bảo hiểm - chia sẻ: "Nếu trong trường hợp không có rủi ro thì mình sẽ nhận lại một khoản tiền trong giá trị tài khoản, nhưng nó không thể nhiều bằng các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư khác được. Nhưng những người tư vấn không có tâm thì họ lại đưa ra những lời tư vấn rất hấp dẫn là bạn vẫn được bảo vệ, bạn vừa có lãi suất cao hơn các kênh đầu tư khác thì nó đã bị sai mục đích khi khách hàng đến với kênh bảo hiểm nhân thọ".
Chị Lê Huyền Châu - khách hàng mua bảo hiểm - cho biết: "Nếu như tư vấn không đúng, không cùng khách hàng liệt kê những bệnh tật tiềm ẩn thì đến khi khách hàng gặp những rủi ro liên quan đến bệnh tật đó họ không được trả chi phí liên quan đến bảo hiểm, dẫn đến câu chuyện là khách hàng rất mất niềm tin".
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - cho hay: "Các công ty phải tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động tư vấn này, xác nhận xem khách hàng đã được tư vấn những điều khoản nào, khách hàng còn thắc mắc gì nữa hay không, khách hàng đã ký vào bảng minh họa, đã hiểu những thông tin trên bảng minh họa hay chưa?".
Ông Trần Minh Hải - Giám đốc Điều hành Công ty luật Basico - chia sẻ: "Mặc dù làm luật sư nhưng tôi cũng phải thừa nhận để đọc và hiểu hết cả bộ quy tắc bảo hiểm không phải là chuyện dễ".
Tư vấn viên là rất cần thiết nhưng nếu bạn gặp phải tư vấn viên chạy theo trường phái "mổ ngan mổ ngỗng để lấy trứng cho nhanh" thì thật đáng buồn. Hay thậm chí tệ hơn là một số trường hợp còn lừa khách mua mà khách lại chẳng biết đó là bảo hiểm. Hiện tượng này từng được cảnh báo cách đây 2 tháng trong ngành ngân hàng.
Khốn khổ vì hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao
Về cơ bản, slogan của các công ty bảo hiểm nhân thọ đều xoay quanh một vài từ như: "yên tâm hơn", "tương lai bền vững" hay "đồng hành cùng bạn" nên chắc chắn chẳng có khách hàng nào muốn mua bảo hiểm như một trò mạo hiểm. Nhưng điểm yếu của chúng ta thường nằm ở 2 chữ "cả" - đó là "cả nể" và "cả tin". Nếu nói "cả nể" phần nhiều do tâm lý, thì "cả tin" chủ yếu là bởi kiến thức.
Một câu chuyện khác trong tuần minh chứng cho việc "cả tin" tai hại như thế nào khi ký những bản hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ. Đó là trường hợp của nhiều nhà đầu tư hùn vốn vào công ty Capel - một công ty theo báo cáo tài chính có 4 năm liền không có doanh thu và cũng chưa nộp đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào nhưng lại mời chào các nhà đầu tư với hợp đồng hợp tác kinh doanh có mức lãi suất lên tới 150%/năm.
"Bút sa gà chết" và người cũng điêu đứng theo khi chỉ được một thời gian ngắn ban đầu là nhà đầu tư nhận được tiền lãi tươi nhưng đến nay đã gần 1 năm, công ty không còn chi trả lợi nhuận như cam kết khiến việc chính của các nhà đầu tư bây giờ là kêu khóc và truy tìm lãnh đạo công ty.
Có lẽ "cả tin" vốn đã là đặc tính của con người. Chả thế mà truyện cổ tích mới có cô bé quàng khăn đỏ, Lọ Lem hay nàng Bạch Tuyết. Dĩ nhiên, không nhân vật nào tham lam cả nhưng cả tin thì giống nhau. Vậy hãy lắng nghe nhiều hơn và luôn đặt câu hỏi trước những thông tin mình tiếp nạp. Thí dụ như trước tin đồn tuần này về việc có biến thể COVID-19 mới độc hơn gấp 5 lần thì ai sẽ đáng tin hơn - mạng xã hội hay Bộ Y tế, người ẩn danh sau bàn phím hay người có chuyên môn?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!