"Cô hồn" có bằng được "cô-vít"?
Tháng 7 Âm lịch - tháng mà theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và nên có những điều kiêng kỵ. Có những điều vào những tháng khác là điều bình thường thì tháng này lại nên tránh, ví dụ như tránh chụp ảnh, hay tránh đi chơi vào buổi tối. Có vô số những nỗi sợ không tên và có tên, có lý và vô lý trong tháng 7 âm lịch.
"Tháng này mọi người giảm thiểu chi tiêu, công việc vô cùng ì ạch, sợ lắm".
"Ai cũng nghĩ tháng 7 có ma, em không đi chơi khuya".
"Không nên đi bộ vào ban đêm, không chụp ảnh, không gặp phụ nữ vào buổi sáng".
"Em sợ có vong ma đi theo em, em không tìm được người yêu ý".
Khi không tìm được lý giải khoa học và lý tính cho những hiện tượng xảy đến với mình, thường có một xu hướng đổ lỗi cho ma quỷ, rồi sinh ra nỗi sợ.
Thế nhưng với năm nay, nỗi sợ trong thế giới thực vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người nên trong một năm không thể tệ hơn, nhiều người nói đùa rằng cô hồn cũng chẳng là gì so với "cô-vít" (COVID-19).
Thực tế luôn đáng sợ và khắc nghiệt hơn. Nỗi sợ ma quỷ mang tính tâm lý là nhiều, khi chưa được giải thích cũng dừng lại là chuyện "bán tín bán nghi". Nhưng dù sao, phòng thì vẫn hơn.
Trong tháng cô hồn, nhiều người chọn việc ăn chay để tránh sát sinh và thanh thản tâm hồn. Nhưng lại một lần nữa, đời thực lại đáng sợ hơn ám ánh về "tháng cô hồn".
Pate Minh Chay - Khi nỗi sợ không phải "cô hồn" mà là vô tâm
Chẳng ai ngờ một loại vi sinh vật có tên Clostridium Botulinum có trong pate Minh Chay đã khiến hàng loạt người dân nhập viện do nhiễm một chất kịch độc gây liệt cơ và thở máy, đe dọa tử vong. Vậy cô hồn hay chính một số người mới tạo ra những vận hạn trong cuộc sống?
Bệnh nhân ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nỗi sợ lớn nhất của người dân không phải là cô hồn, mà lại xuất phát từ nhà sản xuất vô tâm, cho đến việc "3 bộ quản lý một mâm cơm" nhưng thực phẩm độc hại vẫn đàng hoàng bán ngoài đường, trên mạng.
Pate Minh Chay của công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới vì là thực phẩm chay nên nguồn gốc các nguyên liệu có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo quy định, cơ sở được tự công bố sản phẩm nhưng phải chịu sự kiểm tra giám sát hậu kiểm về xét nghiệm và quy trình sản xuất.
Nhưng khi sự cố xảy ra, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở, tại thời điểm kiểm tra Công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước...
Một điểm đáng chú ý nữa là sản phẩm pate Minh Chay được xác nhận bán hoàn toàn qua hình thức online. Nghĩa là liên quan đến ngành công thương.
Một sản phẩm thực phẩm liên quan đến 3 ngành và quản lý như thế nào là bài toán được đặt ra.
Cô hồn sống trong thời COVID-19
Tháng 7 âm lịch cũng xuất hiện những đối tượng được dân gian gọi là "cô hồn sống". Cô hồn sống trong thời COVID-19 không chỉ đi giật lễ vật trên các mâm cúng mà còn táo tợn hơn, là giật cả 2 chiếc xe ô tô.
Giật gương, giật bánh, giật logo đã thấy nhiều, nhưng manh động cướp 2 chiếc xe ô tô thì chẳng cô hồn ma quỷ nào có thể thực hiện được ngoài con người.
Chiếc xe cẩu ngang nhiên kéo ô tô ăn trộm mà không ai hay biết hay nghi ngờ
Camera an ninh đã ghi lại được một vụ trộm cắp xe ô tô, được chiếc xe cẩu kéo đi mà không ai hay biết hay nghi ngờ. Đối tượng đã đập kính, đưa xe ra, rồi dùng xe cẩu để cẩu đi.
Thủ phạm này đã có 2 tiền án, lại có thêm chút kiến thức từ gara xe cũ. Long đã nảy sinh lòng tham ngay từ khi tiếp cận khu vực đỗ xe của người dân của chung cư Nam Trung Yên. Long lên mạng tìm chiếc xe cẩu, tự nhận 2 chiếc xe ô tô đỗ trên vỉa hè là của mình, sau đó đưa đến huyện Thạch Thất chờ thời cơ bán kiếm lời.
Muôn kiểu giật cô hồn "không giống ai"
Hoạt động "giật cô hồn" rất quen thuộc với người dân miền Nam, vì cúng cô hồn phải có người giật thì mới may mắn.
Ngày xưa, việc giật cô hồn chỉ là những đứa trẻ hoặc người vô gia cư đến xin phần bánh kẹo hoặc cơm cúng. Nhưng khi nhiều gia đình cúng thị thực thịnh soạn và có thêm việc rải nhiều tiền, khiến "giật cô hồn" bị biến tướng.
Những năm gần đây, năm nào cũng có hiện tượng tranh cướp, bạo lực khi giật cô hồn. Năm nay vấn đề này tuy ít hơn do dịch COVID-19, nhưng những hành vi phản cảm vẫn diễn ra.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh xấu xí của nhóm "cô hồn sống" khiến nhiều người phẫn nộ.
Một nhóm thanh niên sau khi giật một đĩa trái cây trên đĩa rồi lại đặt xuống, xoay người bỏ đi. Ngay sau đó, một thanh niên trong nhóm bất ngờ đưa tay, hất tung bàn đồ cúng của gia chủ rồi cả nhóm vùng vằng kéo nhau bỏ đi.
Lý do của hành động thô thiển trên là vì chờ mãi không thấy chủ nhà đem mâm tiền ra khiến thanh niên này tức giận.
Hình ảnh xấu xí của nhóm "cô hồn sống"
Với góc nhìn khoa học hiện đại, không có cơ sở nào để khẳng định: tháng 7 âm lịch, điều mà tín ngưỡng dân gian muốn truyền dạy cho con người thông qua tháng "cô hồn", không phải là nỗi sợ hay ám ảnh mù quáng, mà cao hơn là ở cách sống.
Biết để ý trước sau, luôn cẩn trọng trước những hành động của bản thân, và thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao tinh thần bố thí và từ bi hỷ xả.
Những vận hạn và điều may mắn luôn song hành trong cuộc sống, người nào gây nên hậu quả thì không phải vì ma xui quỷ khiến, mà vì chính bản thân mình, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lương tâm của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!