Diện tích cây ăn trái khu vực Tây Nguyên không ngừng tăng lên

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 22/09/2024 06:11 GMT+7

VTV.vn - Một số loại cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao như chuối, sầu riêng, chanh dây... đang phát triển mạnh về quy mô diện tích và hình thành các vùng sản xuất chuyên.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, Tây Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển cây ăn trái có giá trị cao, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn trái khu vực Tây Nguyên đang không ngừng tăng lên, đạt hơn 153.000 ha, tăng hơn 120.000 ha so với năm 2010.

Một số cây ăn trái phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, bơ, chanh dây, cây có múi, chuối… cho năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu, thời tiết có thời vụ thu hoạch không trùng với vùng trái cây truyền thống ở miền Tây và Đông Nam bộ, mang lại lợi thế về giá và thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có những chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn trái ở Tây Nguyên thông qua việc đầu tư cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện các quy trình thâm canh, trồng xen cây ăn quả chủ lực phát triển các vùng trồng tập trung.

Đầu tư trồng bơ hữu cơ

Thời gian qua, một số loại trái cây của Tây Nguyên đã vươn ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn trái ở Tây Nguyên đang gặp thách thức vì tình trạng chặt - trồng tự phát của người dân, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Đã có không ít nông sản rơi vào tình trạng rớt giá hoặc phải giải cứu, như với cây bơ tại Đắk Lắk, từng có thời điểm trên dưới 200.000 đồng/kg bơ, nhưng cũng có lúc chỉ còn vài nghìn đồng/kg vì nông dân đổ xô trồng nhiều. Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm tốt quy hoạch, xây dựng vùng trồng gắn với chuỗi sản xuất để tạo ra nền nông nghiệp an toàn, chất lượng, minh bạch và trách nhiệm.

Diện tích cây ăn trái khu vực Tây Nguyên không ngừng tăng lên - Ảnh 1.

Cây bơ sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng được đánh giá cao khi được trồng trên đất Tây Nguyên

Tại Đắk Lắk, vườn bơ 2 ha này đã cho được 7 mùa thu hoạch. Anh Y Lương Êban và những nông dân khác đang cắt bớt cành nhánh, tạo độ thông thoáng để cây phát triển tốt hơn.

Cây nào có dấu hiệu bệnh phải phòng trừ ngay để không ảnh hưởng chất lượng. Với nông dân, trồng bơ booth vất vả hơn những giống bơ khác, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Y Lương Êban - Xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana, Đắk Lắk cho biết: "Chăm sóc bơ booth khó, giống như chăm em bé và lại phụ thuộc vào thời tiết. Nhờ hợp tác xã bao tiêu vườn nên nông dân không chặt phá vườn và hợp tác mua được giá cao".

Hợp tác xã này có 23 ha trồng chuyên canh bơ booth, với đa số thành viên là hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Để trái bơ đạt các tiêu chuẩn từ mẫu mã, chất lượng phải đồng đều cho đến việc đảm bảo thời gian cung cấp bơ cho các siêu thị và công ty chế biến mỹ phẩm, bên cạnh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, việc tập huấn cho nông dân cách chăm sóc cây đúng cách rất được chú trọng.

Anh Đặng Huy Hùng - Giám đốc Hợp tác xã bơ Đại Hùng Đắk Lắk chia sẻ: "Hợp tác xã sẽ đưa kĩ thuật, đưa công nghệ vào hỗ trợ. Thứ nhất là cách cắt tỉa cành tạo tán, thứ hai là hỗ trợ chăm sóc trái. Thay đổi tư duy chiến lược về sản phẩm của thành viên trong hợp tác xã. Khi kết hợp giữa hợp tác xã - nông dân - doanh nghiệp thì giá cả sẽ ổn định hơn cho bà con. Ngoài cung cấp trái tươi ở số lượng quá lớn thì sản lượng dư thừa chúng ta đưa sang sản phẩm chế biến".

Trên thị trường thế giới, Trung Quốc và Thái Lan là hai đối thủ lớn của nông sản Việt Nam nhưng chưa trồng được bơ. Vì vậy, bơ Việt Nam có lợi thế lớn. Với năng suất bình quân 10-15 tấn/ha, mỗi ha bơ cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm. Người trồng bơ chẳng những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà có thể mở rộng diện tích đáp ứng các yêu cầu về sản lượng, độ an toàn và chất lượng sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng đồng nhất về chất lượng và có quy mô lớn để từ đó tạo liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư để tạo ra một sản lượng khá lớn để phục vụ chế biến, phục vụ cho xuất khẩu".

Dù được trồng ở nhiều địa phương nhưng cây bơ sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng được đánh giá cao khi được trồng trên đất Tây Nguyên. 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum hiện có khoảng 8.000 ha bơ, trong đó có hàng nghìn ha chuyên canh. Nông dân Tây Nguyên đã trồng được nhiều loại bơ đặc sản cho quả quanh năm, chất lượng vượt trội.

Chế biến sâu nâng cao giá trị cho trái cây

Tại Gia Lai, đến nay có khoảng 32.000 ha cây ăn quả với sản lượng trên nửa triệu tấn. Một số loại cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao như chuối, sầu riêng, chanh dây... đang phát triển mạnh về quy mô diện tích và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Địa phương này cũng đang chú trọng phát triển các nhà máy chế biến hoa quả nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng vốn được xem là thế mạnh của địa phương.

Những dây chuyền chế biến, đóng gói trái cây hiện đã xuất hiện ngày một nhiều hơn tại Gia Lai, địa phương có diện tích và sản lượng trái cây top đầu cả nước. Cùng với đó là sự xuất hiện của trên 100 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với các nông hộ phát triển cây ăn quả. Với gần 10.000 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng do các đơn vị này triển khai, sản lượng trái cây tại Gia Lai đang cung ứng cho 35 cơ sở chế biến với công suất trên 1.500 tấn mỗi ngày.

Việc có nhiều dự án đầu tư lĩnh vực chế biến, trong đó, một số nhà máy chế biến trái cây với công suất lớn đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Ước tính kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ trái cây hiện đạt hơn 100 triệu USD mỗi năm. Tuy chỉ mới góp mặt trong vài năm trở lại đây, nhưng trái cây đã là một trong những mặt hàng chủ lực đóng góp kim ngạch lớn cho địa phương này.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: "Vai trò của công nghiệp chế biến các sản phẩm chế biến sâu rất quan trọng. Chỉ có năng lực tài chính, năng lực quản trị và năng lực tiếp cận các thị trường mới nhập về các dây chuyền công nghệ chế biến sâu sẽ tạo ra những sản phẩm thông qua các sản phẩm công nghệ chế biến đó và được các thị trường khó tính chấp nhận".

Tỉnh Gia Lai đã có Đề án "Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040". Theo đó, phấn đấu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025 và định hướng đến năm 2040 đạt khoảng 100.000 ha. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước