Liên tiếp các trận mưa to khiến người dân Hà Nội phải sống chung với những con phố nhiều ngày ngập chìm sâu trong nước. Ngoài việc hệ thống thoát nước của Thủ đô lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, quy hoạch mạng lưới thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa thì một nguyên nhân quan trọng khác đó là hệ thống ao, hồ đang bị "bức tử" bằng cách san lấp vô tội vạ để thay vào đó là những tòa nhà, chung cư cao tầng.
Tại quận Hoàng Mai, hồ nước tự nhiên đối diện số 126 Tam Trinh nhiều năm qua bị đổ trộm rác thải, phế liệu xây dựng để lấn chiếm diện tích mặt hồ khiến người dân vô cùng bức xúc. Thế nhưng, người dân còn bức xúc hơn bởi tới đây, trên 31.600m2 hồ này sẽ bị thu hồi để san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng.
Không chỉ có thế, hàng loạt hồ khác gần đó cũng rơi vào tình trạng tương tự như hồ gần 50.500m2 cạnh bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cũng sẽ bị san lấp xây dựng khu đô thị. Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ bị san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng hơn 3600m2.
Hồ nước đường Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch san lấp một phần gần 10.000m2 để xây dựng dự án nhà. Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm cũng sẽ bị lấp trên 14.200m2 để làm đường đi... Nếu điểm sơ qua, chỉ 2 phường trên địa bàn quận Hoàng Mai đã có tới gần 10 ao, hồ tự nhiên với hàng trăm nghìn m2 mặt nước sắp bị "khai tử".
Những lá phổi xanh đang bị bóp nghẹt vì đô thị hóa. Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, đến nay, chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố lập và công bố danh sách hồ ao không được san lấp với gần 4.500 hồ, ao, đầm, phá theo quy định của luật. Có một điều lạ đó là TP Hà Nội chưa có mặt trong danh sách này.
Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Giai đoạn từ 2015- 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm tới hơn 203 ha bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xoá sổ.
Cho dù người dân bày tỏ mong muốn hạn chế lấp hồ, giữ lại những "lá phổi xanh" của thành phố nhưng bài toán giữa phát triển đô thị với chất lượng sống của người dân, bài toán về sự đồng bộ giữa hạ tầng của hàng trăm dự án khu đô thị, nhà cao tầng với hạ tầng kỹ thuật chung của Thủ đô vẫn chưa được các nhà quản lý quan tâm đúng mức.
Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều quận, huyện cũng đã có quy hoạch thoát nước chi tiết tuy nhiên, việc triển khai thiếu tính đồng bộ. Trong khi đó, các dự án hạ tầng, dự án nhà ở thương mại liên tục được cấp phép xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ hay theo quy hoạch thoát nước của địa phương.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải quyết bài toán ngập lụt ở Thủ đô cần xây dựng chính sách xã hội hóa để tăng nguồn vốn cho hệ thống thoát nước. Đặc biệt, cần có một bản quy hoạch mới hơn, thực tế hơn chứ không thể dựa trên bản quy hoạch cũ lạc hậu như hiện nay.
Tại các đô thị trên thế giới, quy hoạch đô thị đều ưu tiên tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên khi thực hiện dự án. Còn chúng ta nhiều chỗ lại làm ngược lại điều đó. Diện tích ao hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị thu hẹp là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!