Thời điểm cơ quan công an tiến hành kiểm tra, dây chuyền tái chế giấy của Công ty TNHH Giấy Thành Đạt (cụm Công nghiệp Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh) đang hoạt động bình thường. Đại diện doanh nghiệp khẳng định, toàn bộ quy trình sản xuất của cơ sở không phát sinh nước thải ra môi trường.
Nếu đúng nước thải được tuần hoàn toàn bộ để phục vụ sản xuất thì công nghệ sản xuất giấy sạch từ giấy phế thải của doanh nghiệp này được coi là công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Vậy nhưng, thời điểm kiểm tra, cơ quan công an lại phát hiện, nước thải từ doanh nghiệp đang chảy ra môi trường qua hệ thống cống ngầm. Để xác định chính xác nước thải của doanh nghiệp này có vượt quy chuẩn cho phép hay không phải chờ kết quả kiểm nghiệm mới có thể khẳng định được.
Tuy nhiên, một thực tế qua các cuộc kiểm tra khác của Công an tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tình hình xả nước thải bẩn ra môi trường của các cơ sở tái chế giấy trên địa bàn hiện nay đang diễn ra phổ biến. Cứ đụng đâu là sai đấy. Khi trong năm 2020, kiểm tra 26 doanh nghiệp thì toàn bộ các trường hợp này đều bị phát hiện về hành vi xả thải bẩn với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết quả phân tích mẫu nước thải của một số doanh nghiệp cho thấy, chỉ số COD, BOD… vượt gấp cả 20 -25 lần so với ngưỡng cho phép. Nước thải bẩn từ các nhà máy giấy được xác định chính là nguyên nhân khiến dòng sông Ngũ Huyện Khê bị hủy hoại từ nhiều năm trở lại đây.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2021 đến nay, trong tổng số 8 doanh nghiệp bị xử phạt vì xả nước thải bẩn ra môi trường có tới 7 doanh nghiệp chưa chấp hành nộp tiền phạt dù đã quá thời hạn cho phép. Rất nhiều chiêu trò đã được các doanh nghiệp vi phạm sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng. Nếu điều này trở thành một tiền lệ thì pháp luật về môi trường đối với các doanh nghiệp ở đây cũng là thứ chỉ nằm ở trên giấy mà thôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!