Sáng ngày 8/6, Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh (thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ) đã diễu hành, ra mắt các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đoàn CSCĐ Kỵ binh phát huy hiệu quả đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng; tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.
Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tư; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa; tổ chức chăn nuôi, chăm sóc, nhân giống và phát triển đàn ngựa, sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên.
Ngựa được trang bị cho Đoàn kỵ binh CSCĐ là giống ngựa có kích thước khá nhỏ, chiều cao thấp. So với ngựa châu Âu to lớn, giống ngựa này chạy nhanh hơn, ăn ít hơn, trọng tâm cũng thấp hơn, giúp người cưỡi dễ dàng giữ thăng bằng.
Ngoài ra, giống ngựa này có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt, sự dẻo dai, ngoại hình phù hợp có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn. Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng; tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lần trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết: “Ngồi trên lưng ngựa tầm quan sát của anh em rộng lớn hơn, nhiều vị trí đi bộ khó khăn nhưng ngựa lại đến được; ngoài ra có thể phục vụ tốt công tác vận chuyển lương thực, trang bị vũ khí, đấu tranh phòng chống tội phạm...”.
Theo một chiến sỹ CSCĐ, muốn thuần hóa một chú ngựa hoang, sau khi quăng dây bắt được phải mất khoảng một tuần đến 10 ngày, có những con bướng bỉnh có thể đến nửa tháng. Đã có những đồng chí bị ngựa hất tung, ngã xuống đất, hay bị ngựa chống đối, khuỵu xuống đè lên người...
Trong công tác chăn nuôi đảm bảo sức khỏe, nhân giống và phát triển đàn ngựa, hiện đàn ngựa đã sinh sản được 4 ngựa con đực, trọng lượng sơ sinh từ 23-28kg, tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con. Trong công tác huấn luyện đã nhanh chóng thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang dã, nắm chắc các kỹ năng cơ bản và nâng cao; làm tốt công tác chăn nuôi, chăm sóc đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi tại Việt Nam. Mỗi chú ngựa nặng 300-400 kg, chiều cao 1,6-1,8 m, độ tuổi trung bình 2-4.
Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng Phòng Hướng dẫn, sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, kiêm Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết, nếu so sánh với chó thì nghề huấn luyện ngựa vất vả hơn nhiều. Ngựa ăn đến 5 bữa, mỗi con nặng từ 300-400kg, trong khi lượng thức ăn hằng ngày chiếm 10% trọng lượng cơ thể nên chất thải cũng rất lớn.
Hiện các chú ngựa được cán bộ chiến sĩ Đoàn CSCĐ kỵ binh thuần hóa và nuôi dưỡng trong trại huấn luyện rộng 4 ha bao gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt, khu chuồng trại, bãi chăn thả, huấn luyện... tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!