Trong khoảng 5 năm trở lại đây khi nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long là nhắc nhiều đến biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Và đương nhiên, điều này ảnh hưởng đến bát cơm, sinh kế của hơn 17 triệu con người. Vậy nên người dân nảy sinh nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều tranh cãi, nhiều lối rẽ hơn.
Có người chọn ở lại thích ứng nhưng cũng có người chọn ra đi. Câu nói cửa miệng "đi Bình Dương làm ăn" đã trở thành một làn sóng. Và thậm chí trong một "Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long" mới đây đã nhận định: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng về di dân và đô thị hóa của Việt Nam" nghĩa là người trẻ cứ bỏ quê ra đi.
Trong 10 năm qua, có 1,1 triệu người di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long
Tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang có 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu. Khoảng 80% dân số nằm trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, ¾ trong số đó đã ly hương mưu sinh nơi xứ người.
Mùa lũ, nước không về, mùa khô hạn mặn vắt kiệt sinh kế của người dân. Đi làm công nhân với thu nhập khoảng 6 đến 9 triệu/tháng vẫn hấp dẫn hơn so với bám lấy mảnh vườn, cây lúa.
Theo các số liệu và tính toán của các chuyên gia, trong 10 năm qua, có 1,1 triệu người di cư khỏi vùng. Tương đương đồng bằng sông Cửu Long đã mất đi dân số của 1 tỉnh. Cả vùng có tỉ lệ nhập cư thấp nhất cả nước và tỷ lệ xuất cư cao nhất cả nước. Trong 10 năm qua, tỉ lệ này là 45% trong khi trung bình cả nước là 22%.
Tỷ lệ trẻ đi học ở cấp tiểu học hơn 100% nhưng sang cấp THCS là 86%, lên cấp THPT chỉ còn chưa đến 60%.
Tỷ lệ "dân số trong độ tuổi học phổ thông hiện không đi học theo vùng" của đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay cao nhất nước: hơn 13%, nghĩa là số học sinh này đã di cư đến vùng đất khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!