Cơn bão số 4 đã đánh dấu cho mùa mưa bão năm nay ở miền Trung. Cơn bão này tuy không mạnh như bão số 3 nhưng diễn biến rất nhanh và mưa lớn sau bão cũng khiến mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt và sạt lở nhiều nơi, 1 người đã bị thiệt mạng khi đi qua ngầm tràn.
Nghệ An mưa lớn diện rộng, tuyến đường Quốc lộ 7C, quốc lộ 15, đường 46B và nhiều đường liên xã, thôn bản bị sạt lở, ngập úng, có đoạn ngập sâu. Đường vào xã Ngọc Lâm, Thanh Chương bị chia cắt hoàn toàn do ngập ngầm tràn. Tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, 1 người thiệt mạng do lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn. Các hồ thủy điện Khe Bố, Bản Ang, huyện Tương Dương cũng phải tăng lưu lượng xả do mưa lớn.
Mưa lớn liên tục cũng làm mực nước tại sông ngàn Sâu và Ngàn Phố ở Hà Tĩnh dâng cao. Một loạt hồ thủy điện trên địa bàn phải xả tràn. Bản Rào Tre ở huyện Hương Khê bị cô lập do mưa lũ và sạt lở. Các hộ dân ở huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh được di dời để tránh sạt lở đất đá. Hơn 12.000 học sinh phải nghỉ học.
Tại vùng núi Quảng Bình, hơn 600 hộ dân ở các xã Tân Hóa, Yên Hóa huyện Minh Hóa ngập nặng do mưa rất lớn. Huyện Bố Trạch cũng có 9 điểm bị ngập lụt, có điểm ngập sâu từ 1 đến 5m. Một số thôn bản bị chia cắt… Mưa lớn, nước sông Gianh lên nhanh gây ngập lụt một số nơi ở huyện Tuyên Hóa, trong đó 50 ngôi nhà ở xã Thanh Hóa và Thanh Thạch ngập nặng, có nhà ngập gần đến nóc. Trên các tuyến đường giao thông có 86 điểm sạt lở gây chia cắt cục bộ tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch.
Nhiều khu vực tại Quảng Bình có mưa, mưa lớn đã khiến hàng chục thôn bản bị chia cắt tạm thời
La Nina khiến bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn
Khả năng bão và mưa lũ sẽ xuất hiện dồn dập khi dự báo cuối tháng 9, đầu tháng 10, trạng thái khí quyển sẽ chuyển sang pha La Nina.
Với xác suất xuất hiện 60 - 70% thì hiện tượng La Nina sẽ khiến số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ nhiều hơn trung bình mọi năm. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, trọng tâm là khu vực Trung Bộ.
Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xuất hiện những cơn bão mạnh.
Trước diễn biến như vậy thì khả năng mùa mưa năm nay cũng sẽ kéo dài và lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm. Cao điểm mưa lũ dồn dập nhất sẽ rơi vào tháng 10 - 11. Với tác động của hiện tượng La Nina tổng lượng mưa tháng 9 - 11/2024, ở miền Trung phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10 - 30%.
Với tác động của hiện tượng La Nina tổng lượng mưa tháng 9 - 11/2024, ở miền Trung phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10 - 30%
Mùa lũ trên các sông xuất hiện tương đương Trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông Trung Trung Bộ, sẽ từ báo động 2 - báo động 3 và các sông nhỏ trên báo động 3; các sông Nam Trung Bộ dao động mức trên BĐ2. Thời gian lũ có thể sẽ kéo dài hơn mọi năm, cao điểm sẽ tập trung trong tháng 10, 11/2024.
Nhận định năm nay mưa lũ khu vực Trung Bộ khắc nghiệt hơn năm 2023, lượng mưa nhận định lớn hơn so với TBNN, nguy cơ về sạt lở, lũ quét sẽ khắc nghiệt hơn so với mọi năm. Trong đó khu vực Thanh Hóa - Quảng Ngãi sẽ là khu vực trọng tâm chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất.
Năm 2024 nguy cơ về sạt lở, lũ quét sẽ khắc nghiệt hơn so với mọi năm
Nỗi lo sạt lở đất mùa mưa bão
Mùa mưa bão đến, ngoài gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt thì sạt lở cũng là mối nguy hiểm hàng đầu và cũng là một trong những loại hình thiên tai cướp đi nhiều sinh mạng nhất. Ngay như cơn bão số 3 vừa qua, trong hơn 300 người thiệt mạng, mất tích thì phần lớn đều là do sạt lở đất đá. Đây cũng là nỗi lo thường trực của bà con miền núi Hà Tĩnh, Quảng Trị mỗi khi có mưa lớn, bão lũ.
19 hộ dân ở dưới chân núi Chùa xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân cũng nơm nớp lo âu, khi trên đỉnh núi đã xuất hiện một vết nứt rộng khoảng 1m, kéo dài hàng trăm mét, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người dân.
Tại Quảng Trị, hai huyện miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông cũng đang ở trong vùng nguy hiểm do sạt lở. Đặc biệt là ở thôn Cu Pua, huyện ĐaKrông khi các hộ dân nơi đây đang phải sống chênh vênh như thế này, trên tuyến Quốc lộ 9.
Sạt lở là nỗi lo thường trực của bà con miền núi Hà Tĩnh, Quảng Trị mỗi khi có mưa lớn, bão lũ.
Còn đối với xã Xã Húc, huyện Hướng Hóa, là nơi chịu thiệt hại nặng nề sau đợt sạt lở năm 2020 với 7 người thiệt mạng. Đến nay, cứ mỗi khi mưa to là người dân lại lo sợ và tìm cách ứng phó.
Cuộc sống người dân vùng sạt lở luôn thấp thỏm lo âu bởi sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhu cầu xây dựng thêm nhiều khu tái định cư mới là rất lớn và cấp bách, để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đó cũng là mong muốn lớn nhất của người dân, để "an cư lạc nghiệp".
Chủ động ứng phó mưa bão ở miền Trung
Thiệt hại sẽ được giảm thiểu nếu như có sự chung tay chủ động phòng ngừa, ứng phó ngay từ sớm, ngay từ đầu mùa từ các cấp chính quyền đến người dân. Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cũng đã đưa ra những phương án phòng chống trước thiên tai.
Với nhận định như vậy thì với các cấp chính quyền và người dân miền Trung mặc dù có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn cần chuẩn bị các phương án, tập trung chuẩn bị lực lượng, phương tiện sơ tán người dân các khu vực có nguy cơ cao ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất và đồng thời điều chỉnh lịch sản xuất cho phù hợp, giảm thiểu thiệt hại.
Với người dân, cần chuẩn bị phương án 4 tại chỗ, theo dõi các thông tin trên các phương tiện đại chúng, chuẩn bị từ sớm, từ xa. chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm (tối thiểu 5 - 7 ngày) trước mỗi đợt có ảnh báo mưa lũ; tuân thủ hướng dẫn của chính quyền cơ sở; nâng cao kỹ năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Với những dự báo từ sớm sẽ giúp chúng ta kịp thời đưa ra những cảnh báo, và các kịch bản để có thể chủ động ứng phó với những hình thái thời tiết bất thường, từ đó giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!