Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt tại miền Bắc

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 09:38 GMT+7

VTV.vn - Bão số 3 gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại nhiều địa phương. Cần có biện pháp để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Sau đợt mưa lũ dài ngày vừa qua, môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề bởi các chất thải sinh hoạt và công nghiệp, rác động, thực vật thối giữa. Đây là điều kiện cho các tác nhân vi sinh vật gây bệnh phát triển và gây bệnh cho người. Theo thống kê, có thời điểm, chỉ riêng ở thủ đô Hà Nội có trên 300 điểm ngập úng tại 15 quận, huyện, 101 xã, phường và tổng số hộ gia đình bị ngập là trên 39.000 hộ, trong đó gần 24.000 hộ được xử lý môi trường. Các trung tâm y tế tại Hà Nội đã cấp gần 5,5 tấn cloramin B, hơn 600 kg vôi bột, hơn 30 kg phèn chua phục vụ để khử trùng và xử lý nước, môi trường.

"Tại nhiều tỉnh, thành, khi mưa lũ, chất thải trong nhà vệ sinh, trong các bể thải,…bị tràn. Thứ hai, xác súc vật chết. Thứ ba, cây cối thối rữa và thậm chí có những nơi người dân không có chỗ để đi vệ sinh, họ lại phóng uế xuống nước. Các vi sinh vật gây bệnh đi qua đường phân lại truyền từ người này sang người khác. Thiếu nước sạch khiến người dân không thực hiện tốt việc vệ sinh an toàn thực phẩm, không nấu nướng được, không thực hiện ăn chín, uống sôi", Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt tại miền Bắc - Ảnh 1.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết các dịch bệnh dễ mắc phải sau lũ lụt và cách để phòng tránh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các bệnh dễ mắc phải sau ngập lụt, thứ nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như thương hàn, lị, ỉa chảy, ngộ độc thức ăn,… Thứ hai, bệnh lây theo đường hô hấp như viêm phổi, nếu dịch cúm xảy ra, có nguy cơ bùng phát. Thứ ba, đau mắt do sử dụng nguồn nước không sạch, mắt bị nhiễm vi khuẩn do sử dụng tay chân bẩn dụi mắt. Thứ tư, các bệnh về da liễu khi người dân không vệ sinh thân thể được, gây ra viêm da do vi khuẩn, viêm da do nấm như hắc lào, nước ăn chân. Ngoài ra, có một số bệnh rải rác như uốn ván.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt tại miền Bắc - Ảnh 2.

Người dân thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội nhận thuốc từ cán bộ y tế vì bị mẩn ngứa

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông, đã tàn phá 5 nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, vùng ảnh hưởng rất lớn, bão và mưa lũ do hoàn lưu sau bão tàn phá 20/25 tỉnh, thành phố miền Bắc, từ các tỉnh, thành ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng ngược lên các tỉnh có độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển như Lào Cai, Cao Bằng. Mưa lũ lại từ Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái tàn phá các tỉnh thành dọc theo các lưu vực sông ra đến biển, gây ra những thiệt hại về môi trường. Đến thời điểm này, nhiều địa phương dọc hạ lưu của các con sông vẫn bị ngập trong nước và kể cả những khu vực nước đã rút sớm tại Yên Bái, Phú Thọ hay Thái Nguyên, rác sinh hoạt xác động vật vẫn còn ngổn ngang, nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn rất cao.

Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, lũ, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở.

"Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, để phòng, tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Trung tâm kiểm soát tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như huy động, cấp phát kịp thời gần 5 tấn cloramin B, trên 130.000 viên khử khuẩn nhanh và trên 6000 tủ thuốc gia đình cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đã huy động 2 máy phun khử khuẩn công suất lớn cùng các trang thiết bị, phương tiện, hóa chất để hỗ trợ các địa phương phun khử khuẩn, thanh khiết môi trường. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp xuống các hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường ở các vùng ngập lụt", ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt tại miền Bắc - Ảnh 3.

Ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái chia sẻ về công tác phòng chống dịch bệnh trước và sau lũ của địa phương

Cũng theo ông Lại mạnh Hùng, trong thời gian tới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung việc thu gom, xử lý rác thải, bùn đất, phun hóa chất diệt côn trùng, xử lý nguồn nước và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch trong các tình huống thiên tai cho phù hợp với thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh để khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan bùng phát cho cộng đồng sau mưa lũ.

Chỉ trong gần một tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 20 người bệnh mắc Whitmore. Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra. Hầu hết, những bệnh nhân này đều sinh sống trong vùng bị ngập lụt hoặc có liên quan đến nghề nông, lại bị bệnh đái tháo đường nên diễn tiến của bệnh nặng hơn.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt tại miền Bắc - Ảnh 4.

Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 20 người bệnh mắc Whitmore do sinh sống trong vùng bị ngập lụt

"Bản thân bệnh Whitmore không lây từ người sang người, cũng không lây từ động vật sang người, nhưng lại sẵn có trong đất, trong nước. Khi con người có các vết da trầy xước, vết thương, sau đó tiếp xúc với nguồn nước có vi khuẩn, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây ra những hiện tượng như viêm loét, áp xe hoặc viêm phổi. Lúc đầu, bệnh này chỉ gây sốt, rất khó để phân biệt với các căn bệnh khác… Bởi tính chất gây bệnh như vậy nên ca mắc Whitmore chỉ là những ca bệnh rải rác chứ không bùng phát. Bệnh này rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời dễ gây tử vong. Vì vậy, khi tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, nên sử dụng đồ bảo hộ lao động để không bị nhiễm bệnh", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong công tác phòng, chống bệnh sau lũ lụt, trước hết phải phòng bệnh hơn chống bệnh. Các địa phương cần chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra. Trước khi có lũ lụt, cần lập kế hoạch, phương án, để phòng, chống dịch bệnh. Kế hoạch này phải nằm trong kế hoạch phòng, chống thiên tai của chính quyền, được chính quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phòng, chống dịch và tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nước bằng cloramin B. Bộ Y tế cần cấp thuốc cho người dân và hướng dẫn họ dự trữ cloramin B, thuốc thông thường. Bởi trong những ngày đầu khi xảy ra lũ lụt, có thể xảy ra tình trạng y tế không tiếp cận được với người dân. Thứ hai, vấn đề xử lý môi trường và đảm bảo nước sạch là vô cùng quan trọng. Bởi chính hai yếu tố này gây ra dịch bệnh. Thứ ba, phải thống kê được tất cả những trường hợp có nguy cơ cao ở trong vùng dịch, ví dụ như người mang thai có thể đẻ rơi, người cao huyết áp không cẩn thận sẽ dễ bị đột quỵ,… Việc tiếp cận giữa cán bộ y tế với người dân là vô cùng quan trọng.

Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật, chất phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt, đảm bảo có nước sạch sớm nhất cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước