Tuyến đường ven sông Tô Lịch được Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho phép đưa vào thử nghiệm đối với xe đạp và người đi bộ từ ngày 1/2/2024. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến đường ven sông Tô Lịch không phát huy hiệu quả mà rơi vào tình trạng vắng người qua lại.
Tuyến đường ven sông Tô Lịch thưa vắng người đi lại ngay cả trong giờ tan tầm. Ảnh: Đức Anh.
Dù mới được đưa vào hoạt động trong vòng hơn một tháng, tuyến đường ven sông Tô Lịch đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, các trạm xe đạp đều ít người sử dụng, dọc tuyến đường xuất hiện những bãi rác tự phát làm mất cảnh quan đô thị.
Mặt đường xuống cấp, gồ ghề, nhiều bụi bặm. Ảnh: Đức Anh.
Do ít người đi lại trên tuyến đường nên việc dọn dẹp, vệ sinh mặt đường không được thực hiện thường xuyên. Ảnh: Đức Anh.
Trạm xe đạp được bố trí đầy đủ nhưng không mấy người sử dụng. Ảnh: Đức Anh.
Dọc tuyến đường xuất hiện các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến người đi xe đạp và người đi bộ. Ảnh: Đức Anh.
Chị Hải Yến (20 tuổi, người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Về quang cảnh, tôi thấy đây là một nơi tuyệt vời để đi bộ. Tuy nhiên, tôi khá tiếc bởi vì là địa điểm chỗ này đang bị ô nhiễm bởi vì con sông này tỏa bốc mùi hôi thối. Tôi rất hy vọng thời gian sắp tới mọi người làm thế nào để làm sạch con sông này hơn để cho tuyến đường này thực sự được mọi người chú ý và có thể đến đây nhiều hơn nữa".
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc tuyến đường ven sông Tô Lịch vắng người qua lại là do mùi hôi thối từ con sông bốc lên. Ảnh: Đức Anh.
Ông Đức Quỳnh (48 tuổi, người dân sinh sống tại quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe. Khi tuyến đường được đưa vào hoạt động, tôi đã đi xe đạp tại tuyến đường một lần để trải nghiệm. Nhưng tôi không còn đi xe đạp tại đây thêm nữa vì mùi hôi thối từ sông Tô Lịch bốc lên, kèm theo các bãi rác tự phát khiến tôi rất khó chịu. Chưa kể việc ra vào tuyến đường này cũng khiến cho tôi gặp nhiều khó khăn".
Lối ra vào tại tuyến đường được bố trí rào chắn các phương tiện xe máy nhưng điều đó lại gây vướng cho những người đi xe đạp. Ảnh: Đức Anh.
Do tuyến đường đi qua nhiều nút giao thông nên bắt buộc tại các nút giao phải có rào chắn để ngăn xe máy. Điều này vô hình trung cũng gây bất tiện cho người đi xe đạp vì để đi hết đoạn đường hơn 2 km, sẽ phải dừng và nâng xe qua 10 lần. Đó là chưa kể phải né các vật cản khác như ô tô hay hàng quán lấn chiếm tại các nút ra vào.
Theo các chuyên gia, xe đạp hiện vẫn chủ yếu được sử dụng cho mục đích rèn luyện sức khỏe. Vì vậy để thu hút người sử dụng, cơ chế quản lý và vị trí xây dựng những làn đường dành riêng cho xe đạp cần phải tính toán thêm yếu tố này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!