"Ét Ô Ét" ngoài đời: Chuyện không của riêng ai cả

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 19/03/2022 16:34 GMT+7

VTV.vn - Đôi khi, ngẫm lại, thứ phải "SOS- báo động" lại là suy nghĩ của con người...

Hai tuần qua, từ Facebook, Tik Tok, Instagram… nơi đâu trên cõi mạng xã hội Việt Nam cũng dễ dàng bắt gặp cụm từ "Ét Ô Ét". Bắt nguồn từ 3 chữ cái SOS - là một tín hiệu cứu nạn đã được cả thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi, giờ đây cụm từ 'Ét Ô Ét" còn được sử dụng như 1 cách để trả lời những dòng bình luận hay dòng trạng thái mang tính chất khó đỡ với hàm ý hài hước là "cứu với" ; "thế này thì sao mà đỡ được"...

Ở ngoài đời thực chắc chắn chẳng ai muốn dùng tới 3 chữ cái SOS, dù chỉ 1 lần, nhưng trên mạng xã hội, nó lại trở thành 1 trào lưu giải trí. Mạng xã hội đúng là 1 thế giới khác, đến mức con người phải sinh ra những bộ quy chuẩn riêng để giao tiếp với nhau qua không gian mạng. Ví dụ như: Ngoài đời thực, nói chuyện với nhau mà không biết tên, biết mặt thì đúng là chẳng thật lòng tí nào. Nhưng trên mạng thì khác, chẳng thiếu gì avatar hình con cún, trong mấy hội yêu chó-mèo chẳng hạn.

Sáng nay, có lẽ nhiều người ở Hà Nội sẽ dậy muộn hơn một chút, vì là buổi sáng cuối tuần và cũng bởi vì tối qua có thêm 1 lý do để nhiều người thức khuya: Phố đi bộ tại Hà Nội đã hoạt động trở lại, các hàng quán thì không phải đóng cửa lúc 21h nữa. Quả thực, nhịp sống đã trở lại khi tình hình dịch bệnh đang giảm nhiệt thấy rõ. Với nhiều người, lúc này tín hiệu SOS, sự lo lắng lại chuyển trang 1 giai đoạn khác của dịch bệnh với câu hỏi rằng: "liệu sau khi con virus ấy chui vào người mình, nó có để lại hậu quả gì hay không nhỉ?

Với nhiều người, 1 ngăn tủ đầy thuốc và các loại thực phẩm chức năng này mang theo mong muốn giúp sức khoẻ cả gia đình hồi phục nhanh chóng. Nhưng có thực sự có ích hay không? Có tác dụng phụ hay không? - thì không phải ai cũng nắm rõ. Thậm chí có tình trạng cha mẹ còn mua cả thuốc chống viêm, chống đông, sử dụng cả đơn thuốc của người lớn cho trẻ nhỏ ở nhà dù chưa được kê đơn. Biểu hiện dễ thấy nhất của nỗi lo hậu Covid này là số lượng người đến khám tại các bệnh viện. Tiền khám lên tới cả triệu đồng đôi khi chỉ vì nỗi sợ tự xuất hiện trong suy nghĩ của mình.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp Cứu - Bệnh Viện Hữu Nghị Hà Nội, cảnh báo về tình trạng lạm dụng "thần dược chữa COVID-19": ":"Nếu như chúng ta nghe trên mạng mỗi người mách 1 chút, mỗi người mách 1 chút, chúng ta không biết lựa chọn thông tin chúng ta dùng những loại thuốc trùng hợp, gây hại hơn là có lợi".

Chia sẻ quan điểm này, TS.BS Vũ Quốc Đạt, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội nói về việc hoang mang thái quá trước nhiều thông tin "hậu COVID-19" – ""Khi chúng ta lo lắng quá mức nó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, đôi khi nó còn khiến ta tốn thời gian tốn tiền bạc đến với các cơ sở y tế để được thăm khám"

Từ đó mới thấy, đôi khi thứ cần phải "SOS - báo động" lại là suy nghĩ của con người. Thật ra, nghe thôi đã thấy khó rồi. Những lúc cần "SOS báo động" hẳn là lúc khẩn cấp, lúc đấy thì còn tâm trí đâu mà suy nghĩ. Đầu tuần vừa rồi, cũng có 1 khoảnh khắc như thế của 1 người mẹ. Khoảnh khắc ấy làm nhiều người trong số chúng ta hẳn phải giật mình nhớ lại thời còn quàng khăn đỏ và bị mẹ phát hiện mình đang tìm hiểu "phim người lớn".

Đó có lẽ là tình huống SOS với không riêng ai cả.

Thật trùng hợp khi thời gian này, ngoài rạp chiếu phim đang có bộ phim "Gấu đỏ biến hình" - được ví như 1 siêu phẩm mới gây sốt bởi câu chuyện hài hước về tuổi dậy thì của 1 cô bé 13 tuổi ngổ ngáo tên là Mei.

Ở độ tuổi dậy thì, cô bé dần có những mối quan tâm khác như thần tượng, các trò nghịch phá con trẻ và cả những người bạn khác giới. Trong phim, giai đoạn này được thể hiện một cách thú vị khi cảm xúc của Mei bùng nổ thì cô bé sẽ biến thành con gấu trúc đỏ khổng lồ. Từ đó, bộ phim lồng ghép nhiều thông điệp nhân văn về gia đình và sự trưởng thành, thấu hiểu.

Nếu cứ cảm xúc cao trào, tức giận, nóng nảy … mà biến thành chú gấu đáng yêu như thế này, thì tôi cũng muốn. Tiếc là đời không như phim, khi nóng nảy cao trào người ta lại hay đập phá.

Những vấn đề của tuổi dậy thì luôn phức tạp, nhưng cơ bản là không mới, nó là chuyện muôn thủa. Các thế hệ trong mỗi gia đình xưa nay vẫn luôn phải trải qua giai đoạn này trong đời. Nhưng trong những thời điểm "SOS - báo động" chúng ta, những người đã trưởng thành, có thể lại quên mất rằng: mình từng trải qua 1 thời thanh thiếu niên như thế. Một phần lớn cũng là bởi khoảng cách thế hệ, cách nghĩ và hành động khác nhau...

Điểm tuần: Ét Ô Ét

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước