Giải pháp nào "cởi trói" công viên?

VTV Digital-Thứ hai, ngày 11/12/2023 12:07 GMT+7

VTV.vn - Một số công viên tại Hà Nội không chỉ bị xuống cấp mà còn đang bị “xẻ thịt” thành nơi trồng rau, sân tennis, quán cafe, nơi trông giữ xe trái phép...

Công viên Tuổi trẻ tháo dỡ chậm tiến độ

Thiếu không gian công cộng và chỗ vui chơi, giải trí cho người dân luôn là vấn đề cấp thiết. Bởi không ít nơi mọc lên các khu đô thị song lại chưa chú trọng hạ tầng, không gian công cộng, dẫn tới cư dân sống trong môi trường chật hẹp. Bên cạnh đó, nhiều nơi được xây công viên nhưng lại sử dụng không hiệu quả, thậm chí bị biến tướng kinh doanh trục lợi.

Với nỗ lực trong năm 2023 phải làm "sống lại" các công viên, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công viên, vườn hoa để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ người dân nhưng có những công viên dù đã có lộ trình cải tạo nhưng sau nhiều tháng tháo dỡ, tiến độ vẫn còn chậm.

Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 1.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 2.

Điển hình là công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang bị chậm hơn 2 tháng so với kế hoạch. Mặc dù từ giữa tháng 5/2023, nhiều hạng mục, công trình sai phạm tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã được tháo dỡ nhưng đến nay vật liệu xây dựng, phế thải ngổn ngang, một số vi phạm vẫn tồn tại. Hiện còn khoảng 4/14 công trình, hạng mục vi phạm tiến độ khắc phục chậm.

Công viên - của công biến thành vật riêng

Các hạng mục tại nhiều công viên trên địa bàn Hà Nội không chỉ xuống cấp mà nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng "xẻ thịt" công viên, nơi thì cho kinh doanh cà phê, nhà hàng, nơi hình thành cả những bãi trông giữ xe trái phép. Thực tế ở nhiều nơi, hơn 1/3 diện tích công viên đã bị thay đổi mục đích sử dụng hoàn toàn so với công năng của nó.

Mỗi nhà 1 đám, có nhà còn nhiều đám để trồng rau, cứ thế, công viên - nơi sinh hoạt cộng đồng  - bỗng chốc thành của riêng khi nơi chia ô canh tác nông nghiệp, nơi hóa thành chợ. Là sân chơi dành cho trẻ em nhưng dấu hiệu nhận biết còn sót lại chỉ là biển thông báo.

Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 3.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 4.

Đã thành lệ, mỗi ngày, ít là 5.000 đồng, nhiều thì 10.000 - 20.000 đồng là số tiền chủ quầy hàng phải đóng cho đội tự quản để được họp chợ sai phép. Quyền lợi bất nhất nên việc tranh chấp chỗ ngồi cũng thường xuyên diễn ra.

Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 5.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 6.

Công viên bị "xẻ thịt" nên không ít người đã trục lợi từ nó. Mọi khoảng trống đã được tận thu. Bãi trông giữ xe cả ngày lẫn đêm được mọc lên.

Thoải mái gửi và sẵn lòng tiếp nhận để rồi không gian chung đã biến thành của đôi người. Công viên - của công nay thành vật riêng.

Số lượng công viên mở tại Hà Nội

"Cha chung không ai khóc" cũng bởi công viên mở nên việc quản lý cũng vì thế mà khó khăn. Một số nơi đầu tư cải tạo thì nhiều nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Đáng nói, chủ thể của công viên là người dân lại chưa được thụ hưởng một cách đúng nghĩa.

Hiện, Hà Nội có gần 70 công viên, vườn hoa công cộng nhưng gần 70% trong số này xuống cấp. Cũng có tới hàng chục công viên xây xong nhưng lại bỏ hoang. Số lượng công viên vốn đã ít ỏi, vậy mà nhiều nơi lại bị bỏ không, hoang hóa, chưa được quan tâm đầu tư cải tạo đúng mức.

Nhiều dự án công viên chậm tiến độ

Trong khi Hà Nội còn rất thiếu không gian xanh phục vụ cộng đồng thì nhiều dự án công viên ngay giữa trung tâm Thủ đô lại bị "treo" nhiều năm. Trong đó, nhiều công viên nằm trong các khu đô thị vốn được xây dựng để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho cư dân nhưng thực tế "có như không".

Công viên Thiên Văn học và công viên Phùng Khoang là 2 dự án công viên đều đang "giậm chân tại chỗ" nhiều năm nay do chủ đầu tư gặp vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng và điều chỉnh chỉnh quy hoạch. Đều là những công viên được đầu tư kinh phí lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng lại "đóng băng". Ngoài ra, một số công viên có quỹ đất nhưng chưa có nhà đầu tư nên dẫn đến việc triển khai các dự án công viên bị chậm tiến độ.

Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 7.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 8.

Ông Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý Đô thị, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - cho biết: "Hiện nay các chủ đầu tư tập trung chủ yếu vào dự án phát triển nhà ở, các công trình mang tính kinh doanh, lợi nhuận. Họ chưa chú trọng đến công tác đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đối với các chủ đầu tư chậm triển khai, đề nghị thu hồi hoặc không giao cho các dự án tiếp theo".

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam: "Cứ để như thế nghĩa là chúng ta lãng phí, lãng phí đất đai, lãng phí cơ sở để phục vụ đông đảo người dân. Như vậy là chúng ta có lỗi. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải cởi trói ngay".

"Cởi trói" công viên

Làm thế nào để "cởi trói" cho các công viên đang dang dở vẫn là bài toán nan giải của các cơ quan quản lý. Bởi vậy, Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Tức là thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45/63 công viên, vườn hoa công cộng hiện có. Việc đầu tư cho không gian xanh không chỉ góp phần trong việc điều hòa không khí, thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn tránh lãng phí từ những mảnh đất "vàng" của Thủ đô.

Từ một bãi đất trống, là nơi tập kết rác thải ngay giữa khu dân cư nhưng nay dự án công viên Thượng Thanh đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng.

Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 9.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 10.
Giải pháp nào cởi trói công viên? - Ảnh 11.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng dễ dàng thực hiện, nhất là những công viên nằm trong khu đô thị bị bỏ hoang thời gian dài. Cách đây 1 năm, công viên Long Biên vẫn còn là bãi đất trống, với hạ tầng xuống cấp thì nay đã "khoác tấm áo mới" với diện mạo mới, được chỉnh trang theo hướng công viên mở, công viên bốn mùa.

Thay vì loay hoay tìm kiếm những địa điểm vui chơi, giải trí ở xa thì giờ đây, người dân có thể đến những công viên gần nhà. Chỉ tính riêng năm 2023, quận Long Biên triển khai cải tạo, nâng cấp cùng lúc 15 công viên, vườn hoa. Trong đó, "cởi trói" nhiều công viên bị "đóng băng".

Tự tạo ra những công viên cho riêng khu dân cư nơi mình sinh sống không còn là lựa chọn hiếm hoi. Tại khu vực bờ sông Hồng ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, một bãi rác lớn đã trở thành nơi vui chơi của trẻ nhỏ, nơi tập luyện của người già và giờ đã trở thành công viên rừng vô cùng độc đáo.

Từ các mô hình công viên thu nhỏ do chính người dân chung tay xây dựng, ai cũng đều hy vọng vào một Hà Nội sẽ "xanh" hơn, thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

công viên

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước