Giữ trọn lời thề

Nguyễn Nga, Phạm Hùng, Bùi Hương, Phùng Hơn, Quốc Đạt, Văn Hiệp-Thứ bảy, ngày 27/07/2024 13:08 GMT+7

VTV.vn - Những người chiến sĩ đi không tiếc đời mình, sẵn sàng hoá đá làm thành lũy vững chắc gìn giữ tấc đất non sông, giữ trọn lời thề thiêng liêng với Tổ quốc.

Hôm nay (27/7) - Ngày Thương binh liệt sĩ, cả nước cùng đang hướng về các hoạt động tưởng nhớ và tri ân những người chiến sĩ đã cống hiến và hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Đất nước ta đã trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp đầy oai hùng, trong đó đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tiếp sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trải qua 21 năm gian khổ và ác liệt. Thế nhưng, dù thời đại nào, dù cho đứng trước kẻ thù nào thì tinh thần của người Việt cũng hừng hực khí thế yêu nước.

Mang trên mình bộ quần áo người lính, trên vai là cây súng, trong tim là nồng nàn tình yêu nước, những người lính năm ấy đi không tiếc đời mình, họ sẵn sàng hóa đá làm thành lũy vững chắc gìn giữ tấc đất non sông, giữ trọn lời thề thiêng liêng với Tổ quốc.

Cựu chiến binh bám đá tìm đồng đội

Giữ trọn lời thề - Ảnh 1.

"Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử" là lời thề khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sĩ, Trung úy, Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh và đã trở thành lời thề chung của các chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên.

Chiến tranh lùi xa, đất nước hòa bình, những người lính Vị Xuyên năm ấy vẫn không nghỉ ngơi, họ kiên trì tìm kiếm đồng đội trong đá, trong núi, trong thung, họ tìm kiếm đồng đội trong trí nhớ. Hơn 1.000 đồng đội nữa thôi, "chúng ta được trở về bên nhau" như nguyện ước năm nào.

Chiếc gậy tre, đôi chân không còn nguyên vẹn cùng ký ức không quên về những tháng chiến đấu ác liệt là tất thảy hành trang người lính Nguyễn Quang Tuệ - cựu chiến binh Sư đoàn 313, Quân khu 2 mang theo mỗi lần lên đường. Suốt 25 năm, ông đã không thể đếm nổi dấu chân mình đã băng qua biết bao con suối, ngọn đồi ở mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang.

Giữ trọn lời thề - Ảnh 2.
Giữ trọn lời thề - Ảnh 3.

Hơn 40 năm trước, chẳng ai ngờ lằn ranh sinh tử mỏng manh đến thế. Nay còn sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, mai đã đứa ở, người ra đi, chỉ còn lại những lời hứa thề.

Gần 4 thập kỷ với vô vàn cuộc tìm kiếm, nhiều đội nhóm cựu chiến binh đã cùng nhau đi khắp các cao điểm, thung sâu, khe suối, những người còn sống đi thực hiện lời hứa với những đồng đội còn nằm lại.

Năm 2018, đội quy tập tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Hà Giang được thành lập. Bằng tất cả trí nhớ, những người cựu chiến binh xung phong chỉ đường, hỗ trợ công tác tìm kiếm và quy tập.

Trong suốt 10 năm kể từ 1979 - 1989, chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên đã có hơn 4.000 liệt sĩ hy sinh. Đến nay, hơn 1.000 đồng chí chưa tìm thấy hài cốt. Các anh vẫn còn đang bám vị trí chiến đấu, chịu nắng, sương, mưa, gió. Chiến trận ngưng rồi, các anh có nghe tiếng đồng đội đang gọi?

Người vợ 40 năm tìm chồng trong nước mắt

Đến nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh.

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cùng với lớp lớp thanh niên sục sôi lý tưởng và xông pha, chàng trai trẻ 24 tuổi Chẩu Văn Vạn quê Tuyên Quang năm ấy, đã 2 lần gác lại hạnh phúc riêng để lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 28/4/1984, chiến sĩ Chẩu Văn Vạn hy sinh. Giấy báo tử ghi rõ "Vì chiến đấu ác liệt, không lấy được thi hài". Không một kỉ vật để lại, không một bức hình kỉ niệm, người con thơ còn chưa biết mặt cha.

Nhiều năm sau khi chồng mất, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Nhã chuyển công tác từ Tuyên Quang vào Bình Phước, ở vậy nuôi con, một lòng son sắt.

Giữ trọn lời thề - Ảnh 4.

Năm 2019, qua mạng xã hội, con gái kết nối được với những đồng đội cũ của cha mình. Từ Bình Phước bà Nhã lặn lội đến Hà Giang, cầm theo tấm biển tìm thông tin liệt sĩ.

Chỉ với những dòng thông tin mong manh, ngắn ngủi có được, nhiều cuộc tìm kiếm đã diễn ra. Dẫu biết rằng ước mơ được tìm thấy chồng có lẽ chỉ là "mơ ước". Thế nhưng, cứ tháng 7 về, bà Nhã lại chuẩn bị hành trang để tiếp tục lên đường.

Giữ trọn lời thề - Ảnh 5.
Giữ trọn lời thề - Ảnh 6.
Giữ trọn lời thề - Ảnh 7.

Liệt sĩ Chẩu Văn Vạn "trở về" kề bên vợ trong bức hình phục dựng

Những người lính hiến dâng tuổi xuân cho đất nước để giữ trọn lời thề cho đất nước. Và những người phụ nữ, những người vợ như cô Nhã đã trải qua suốt 40 năm ròng, vẫn cứ mòn mỏi đợi tìm chồng để giữ trọn lời thề thủy chung. Và cả những đồng đội năm xưa, may mắn trở về sau những trận đánh, họ cũng chẳng thể nào quên lời thề keo sơn gắn bó của những người anh em vào sinh ra tử, ấy là nghĩa là tình đồng đội.

Mâm cơm liệt sĩ

Cũng trong những ngày tháng 7 này, những cuộc tìm kiếm băng rừng, phá đá đã được đổi lại bằng sự đoàn tụ sum vầy dẫu đã cách biệt âm dương nhưng đó là niềm vui niềm hạnh phúc có lẽ chẳng gì có thể đong đếm được.

Mâm cơm đã đủ 6 chiếc bát, 6 đôi đũa, đặt ngay ngắn trước 6 hài cốt phủ lá cờ đỏ sao vàng. Trong làn khói hương phảng phất, đồng đội mời các anh về đây dùng bữa cơm chiều…

Giữ trọn lời thề - Ảnh 8.
Giữ trọn lời thề - Ảnh 9.

6 bộ hài cốt đều chưa xác định được danh tính. Đều đặn 3 bữa mỗi ngày, các anh vẫn được cúng cơm theo phong tục người Việt.

Tháng 7 về, nghĩa trang liệt sĩ trở thành nơi "hội ngộ" của những người lính từng chiến đấu với nhau. Và cả những cuộc hội ngộ tuy đã âm - dương cách biệt. Những người đồng đội cùng hát những người còn sống và cả những người đã nằm xuống.

Cũng dịp tháng 7 của 6 năm trước, một cuộc hội ngộ đã diễn ra giữa người lính và nữ y sĩ năm nào. Trong một lần chiến đấu, chàng trẻ 18 tuổi Trương Văn Đau năm ấy bị thương mất một chân.

38 năm mới gặp lại, người lính Trương Văn Đau xin được nhận bà Hà Kim Quy làm mẹ nuôi. Chẳng có gì là khó hiểu, bởi bước qua sinh tử, họ đã coi nhau như ruột thịt.

Giữ trọn lời thề - Ảnh 10.
Giữ trọn lời thề - Ảnh 11.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng nghĩa tình đồng đội lại là thứ khiến những người chiến sĩ năm xưa gần lại. Họ cưu mang, dìu dắt và nâng đỡ nhau trong những năm tháng hòa bình, cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp phía trước.

Lịch sử đã chọn Vị Xuyên để viết tiếp bản hùng ca bất khuất, anh dũng, kiên cường của những thế hệ trẻ vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Những cuộc chia ly đã trở thành một phần chẳng thể nào quên của lịch sử.

Tên khắp dải đất chữ S này, có con đường nào không phải con đường hạnh phúc khi mỗi một tấc đất ta bước đi hôm nay, chẳng phải là "bốn ngàn lớp người giống ta", "họ đã sống và chết" để vun đắp dựng xây.

Trên mỗi bước đường ấy, trong gió, trong mưa, hay gió sương bão táp, những lời thề của ý chí chiến đấu vì Tổ quốc, vì quê hương; lời thề của nghĩa tình đồng đội, của nghĩa vợ tình chồng - vẫn cứ luôn được vẹn tròn; khắc tạc vào đá núi, để làm nên "Đất nước" hôm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước