Hà Nội bố trí nhiều điểm thu gom rác thải cồng kềnh

Anh Tuấn-Thứ ba, ngày 11/06/2024 21:45 GMT+7

VTV.vn - Hiện 23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác thải cồng kềnh, tạo tiền đề cho việc phân loại rác đồng loạt trên toàn thành phố.

Đời sống càng phát triển, nhu cầu mua sắm nội thất bàn ghế, giường tủ, đệm ngày càng tăng, không chỉ mua theo nhu cầu thiếu, mà còn mua vì thay đổi thị hiếu, sở thích. Đồng nghĩa với việc nếu các món đồ cũ không tái sử dụng sẽ trở thành đồ thải bỏ. Vì vậy, rác cồng kềnh - một loại rác được thải bỏ có kích thước lớn ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Từ tháng 6/2024, tại 23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn. Trong đó, hiện 23 phường đã chủ động bố trí các điểm tập kết rác cồng kềnh, tạo tiền đề cho việc phân loại rác đồng loạt trên toàn thành phố.

Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, từ nhiều tháng nay, ngoài việc thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, giờ có thêm hệ thống phân loại và xử lý rác thải cồng kềnh. Đủ loại rác có kích thước lớn được thải bỏ từ quá trình sinh hoạt của các hộ dân như: giường, tủ, cửa gỗ, đệm, ghế sofa… đã được thu gom về đây.

Hà Nội bố trí nhiều điểm thu gom rác thải cồng kềnh - Ảnh 1.

Rác cồng kềnh - một loại rác được thải bỏ có kích thước lớn ngày càng xuất hiện nhiều hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

So với với rác thải sinh hoạt thông thường, việc thu gom phân loại rác thải cồng kềnh cũng khiến những nữ công nhân như chị Dân gặp không ít khó khăn.

"Rác thải cồng kềnh thu gom vất vả, có các đinh, thủy tinh cũng nguy hiểm", chị Lê Minh Dân, công nhân Công ty Urenco 7, chia sẻ.

Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng rác cồng kềnh phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Urenco 7, trung bình mỗi tháng, chỉ riêng địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phát sinh khoảng 30 tấn rác thải cồng kềnh từ các khu dân cư. Khối lượng không nhỏ, nếu không được thu gom xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Hiện đơn vị này đã tiến hành phân loại và thu gom đối với rác cồng kềnh tại tất cả các phường trên địa bàn quận.

Thay vì dùng phương án truyền thống thu gom rồi phá dỡ, cuốn ép rác nhằm giảm diện tích để chôn lấp như trước đây, từ đầu năm 2024, Công ty Urenco 7 đã tiến hành đưa vào vận hành dây chuyền xử lý các loại rác cồng kềnh để tiếp tục tái sử dụng. Với cỗ máy nghiền có công suất lớn, các tấm gỗ, giường tủ… đều bị nghiền nát trong tích tắc. Do có nhiệt trị cao, chất thải thành phẩm có thể được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho các lò hơi.

Trước đây thành phố Hà Nội chưa có quy định về việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh nên loại rác này không nằm trong hợp đồng đấu thầu rác thải sinh hoạt ở các quận, huyện. Việc xử lý rác thải cồng kềnh được kỳ vọng sẽ tìm đầu ra cho loại rác thải này, vốn là vấn đề lâu nay các phường vẫn loay hoay trong việc tìm phương án xử lý.

Là đô thị có lượng rác thải sinh hoạt lớn, rác cồng kềnh chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều địa phương, tuy nhiên đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh nên các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý, vì không được thanh toán chi phí vận chuyển.

Từ đầu tháng 6, tại 5 quận nội thành của Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm đã lần lượt tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Trong thời gian này, URENCO triển khai thu gom rác thải cồng kềnh theo hai hình thức, người dân mang rác thải cồng kềnh tới điểm tập kết theo quy định hoặc gọi điện theo số hotline, đơn vị sẽ đến tận nhà thu gom hoàn toàn miễn phí.

Huyện đảo Cô Tô nỗ lực xử lý rác thải Huyện đảo Cô Tô nỗ lực xử lý rác thải

VTV.vn - Việc xử lý rác thải, tìm các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trên đảo Cô Tô đang được chính quyền và người dân huyện đảo nỗ lực thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước