Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số trường hợp mắc tay chân miệng bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương rải rác có các ca tay chân miệng nhập viện điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, vì vậy các bậc phụ huynh thường xuyên cho con rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch để giữ vệ sinh đôi tay của trẻ luôn sạch.
Đồ chơi của trẻ ở nhà hay trường học thường xuyên phải rửa sạch để tránh trẻ lây bệnh. Gia đình thấy trẻ có biểu hiện tay chân miệng phải cho trẻ nghỉ ở nhà theo dõi và báo với nhà trường, sau đó cho trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.
Để kiểm soát bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt trong các tháng 10, 11. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường có khả năng tự khỏi và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi kèm theo nhiều biến chứng khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ là viêm não, màng não. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!