UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục có 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Các địa phương công khai danh sách ao, hồ được bảo vệ để người dân thực hiện và giám sát, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm. Chủ trương này là điều cần thiết để bảo vệ ao, hồ trên địa bàn, vì trong thời gian qua, theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại một số địa bàn ngoại thành Hà Nội, xảy ra tình trạng lấp ao hồ bằng trạc thải, phế thải xây dựng… Điều này không chỉ vi phạm về việc quản lý đất đai mà đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.
Nhiều sông hồ bị san lấp bằng trạc thải xây dựng
Khu đất vốn dĩ là phần diện tích ao hồ do UBND xã Hải Bối, huyện Đông Anh quản lý nhưng đang đứng trước nguy cơ biến mất vì nạn đổ trạc thải trái phép. Với hàng chục tấn phế thải xây dựng lẫn rác đổ xuống đây, khu ao này có thể vĩnh viễn không khôi phục được nữa.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 5.000 tấn chất thải xây dựng. Nếu không được thu gom xử lý đúng nơi quy định thì bất cứ nơi đâu cũng trở thành nơi đổ trạc thải trái phép.
Dọc tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Đông Anh thuộc các xã Hải Bối, Võng La, nhóm phóng viên phát hiện có ít nhất 5 vị trí ao hồ đang bị san lấp bằng trạc thải. Chỗ là đất công do xã quản lý, chỗ đã giao cho một số cá nhân thầu khoán theo hợp đồng. Sau khi dựng rào, quây tôn, việc tiếp theo là đổ trạc thải để lấp ao, lấp hồ.
Ao bị san lấp bằng trạc thải.
Dưới nhiều hình thức, nạn đổ trạc thải "bẩn" đã và đang dần xóa sổ hoặc thu hẹp một diện tích đáng kể ao hồ trên địa bàn. Về phần mình, lãnh đạo các xã liên quan cho biết, đều đã nắm được nhưng lại khó ngăn chặn triệt để vì nhiều lý do.
Ông Lê Tư Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: "UBND xã đã nhiều lần bắt giữ xử lý. Họ chủ yếu đổ ban đêm. Tuy nhiên không thể xuể nên một vài chỗ chưa xử lý kịp thời".
Ông Hà Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Chưa kịp thời xử lý được trường hợp nào. Đang giao cho công an lập kế hoạch phương án tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm".
Không chỉ ao hồ, mà thời gian gần đây, dòng sông Lương chảy qua địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng đang bị xâm chiếm bởi trạc thải. Đất đá lẫn đủ thứ rác bẩn được một số cá nhân đổ thẳng xuống để phục vụ mục đích lấn sông.
Sự hiện diện của trạc thải ở khắp mọi nơi đang đe dọa sông, hồ ở ngoại thành Hà Nội đứng trước nguy cơ biến mất.
Thủ đoạn lấn chiếm sau khi đổ trạc thải trái phép
Một câu hỏi mà nhiều người quan tâm, việc san lấp ao hồ bằng trạc thải như vậy được thực hiện nhằm mục đích gì? Cũng từ hoạt động này đã hé lộ thủ đoạn lấn chiếm đất sau khi đổ trạc thải trái phép.
Tấc đất tấc vàng, vì thế một số cá nhân đang tìm cách để chứng minh ý nghĩa câu nói đó bằng việc đổ trạc thải lấn sông.
Trạc thải đổ trái phép tới đâu, nhà dân tiến sát ra sông đến đó. Cứ lấn được bao nhiêu thì sẽ gia tăng diện tích cho mảnh đất được bấy nhiêu, kể cả khi phần đất cũ của các hộ dân này hiện vẫn chưa có sổ đỏ.
Trạc thải đổ trái phép tới đâu, nhà dân tiến sát ra sông đến đó.
Một "cò đất" ở xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Đất đấy là đất lấn chiếm, dân cứ ra đấy ở thôi chứ. Giá người ta đòi trên 200/m ngang".
Cùng nhau lấn chiếm sông rồi cùng nhau xây dựng, cơi nới công trình nhà ở. Chưa bao giờ, hoạt động xây dựng ven bờ sông Lương trên địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên lại diễn ra rầm rộ đến vậy. Nhất là khi dự án mở rộng tỉnh lộ 428 được triển khai khiến giá đất ở đây tăng lên đáng kể.
Chưa bao giờ, hoạt động xây dựng ven bờ sông Lương trên địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên lại diễn ra rầm rộ đến vậy.
Làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm thừa nhận, việc đổ phế thải, xây dựng lấn chiếm như vậy là vi phạm. Thực tế đến nay, hầu như chưa có trường hợp nào được cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất do kiến nghị của xã chưa được huyện Phú Xuyên phê duyệt.
Dù chưa đến mức nhức nhối như vậy, nhưng tại địa bàn 2 xã Võng La, Hải Bối ở huyện Đông Anh, sau khi san lấp ao hồ, một số cá nhân thường che giấu đi nguồn gốc phần đất lấn chiếm bằng cách trồng chuối. Theo thời gian, ao hồ sẽ biến thành vườn cây, có vị trí mọc lên cả nhà xưởng.
Tại địa bàn 2 xã Võng La, Hải Bối ở huyện Đông Anh, theo thời gian, ao hồ sẽ biến thành vườn cây, có vị trí mọc lên cả nhà xưởng.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể diện tích ao hồ ở ngoại thành Hà Nội bị san lấp trái phép trong những năm qua. Nhưng một thực tế, lợi ích từ hoạt động này có thể chỉ một vài cá nhân được hưởng, nhưng phần diện tích ao hồ hay dòng sông bị san lấp bằng trạc thải thì rất khó khôi phục nguyên trạng ban đầu được nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!