Hà Nội sẽ tính toán kỹ lộ trình chuyển đổi xe bus xanh

Minh Đức-Thứ ba, ngày 27/09/2022 19:25 GMT+7

VTV.vn - Việc nhập khẩu, lắp rắp và thay mới các xe bus sử dụng năng lượng xanh sẽ mất thời gian và chi phí cao hơn so với các loại xe bus thông dụng hiện nay.

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng. Dù còn không ít khó khăn song lộ trình, phương án thực hiện sẽ được tính toán kỹ lưỡng để vừa bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa tránh gây xáo trộn trong việc đi lại của hành khách, vừa tránh lãng phí, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận hành xe bus.

Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải, từ năm 2025, 100% xe bus thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thực hiện chủ trương này, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xây dựng kế hoạch, lộ trình để thay thế từ xe bus có động cơ dầu diesel sang xe bus sử dụng năng lượng xanh.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải) cho biết, qua rà soát, toàn thành phố hiện có 130 tuyến bus được trợ giá, với tổng cộng 1.966 xe. Trong đó, số phương tiện sử dụng năng lượng xanh là 220 xe, chiếm tỷ lệ 11% cơ cấu đoàn phương tiện, bao gồm 81 xe bus điện của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus; 139 xe bus sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG) của Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến. Số lượng xe bus sử dụng động cơ dầu diesel chiếm tỷ lệ lớn, với 1.746 xe (89%).

Hà Nội sẽ tính toán kỹ lộ trình chuyển đổi xe bus xanh - Ảnh 1.

Toàn thành phố hiện có 130 tuyến bus được trợ giá, với tổng cộng 1.966 xe, số phương tiện sử dụng năng lượng xanh là 220 xe.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương, để triển khai xe bus điện, xe bus sử dụng năng lượng xanh tại Hà Nội cần phải giải quyết một số vấn đề phát sinh. Theo đó, trong nước hiện chưa có đơn vị sản xuất xe bus điện mà chỉ có Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast nhập khẩu, lắp ráp và hiện cũng mới chạy thí điểm trên 9 tuyến bus. Bộ Giao thông - Vận tải mới chỉ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách mà chưa có quy chuẩn riêng cho xe bus điện. Do vậy, việc nhập khẩu, lắp ráp sẽ mất thời gian và chi phí cao hơn so với các loại xe bus thông dụng.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị chủ lực của thành phố trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, pin xe bus điện chỉ có thể chạy từ 250 đến 300km/lần sạc và để bảo đảm không phát sinh sự cố hết điện, nhà sản xuất khuyến cáo chạy tối đa từ 230 đến 250km/lần sạc.

Các tuyến bus điện đang thí điểm hiện nay ở Hà Nội có tổng quãng đường chạy là 230-240km/xe/ngày. Các tuyến xe bus mà Transerco đang vận hành trong khu vực trung tâm chạy trung bình 250-300km/xe/ngày; nhiều tuyến khác chạy trên 300km/xe/ngày. Do đó, đối với các tuyến có năng suất trên 250km/xe/ngày phải bố trí trạm sạc điện bổ sung giữa ca tại các điểm đầu cuối. Các trạm sạc điện cho xe bus lại có phụ tải lớn.

Vì vậy, theo tính toán của Transerco, để chuyển đổi trên 1.700 xe bus sử dụng động cơ diesel sang sử dụng điện, cần có sự hỗ trợ của đơn vị điện lực khu vực, bảo đảm cung cấp nguồn điện công suất lớn và an toàn. Ngoài ra, giá xe bus điện đang cao hơn khoảng 3,2-4 lần so với các loại xe bus đang được sử dụng để tính đơn giá khấu hao theo quyết định hiện hành của UBND thành phố Hà Nội. Đây cũng là bài toán cần tính trong lộ trình chuyển đổi xe bus xanh.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, Trung tâm đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kế hoạch chuyển đổi theo nguyên tắc các tuyến bus mở mới yêu cầu sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến, số lượng phương tiện cho các tuyến bus mở mới giai đoạn 2023-2030 là 4.800 xe (mỗi năm 600 xe).

Đối với các tuyến bus đến năm 2025 hết hạn, phải đấu thầu lại, nếu phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) được phép sử dụng tối đa đến 10 năm, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu. Tổng cộng hơn 1.700 xe trên 111 tuyến sử dụng động cơ dầu diesel sẽ được chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn từ năm 2025-2035.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, đơn vị sẽ tham mưu cho thành phố lộ trình cụ thể, bám sát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song cũng bảo đảm không gây xáo trộn việc đi lại của hành khách và tránh lãng phí, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe bus đã đầu tư phương tiện chạy động cơ dầu diesel.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước