Hà Nội: Xử lý nghiêm, không bao che cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Phùng Anh-Thứ tư, ngày 08/01/2025 06:30 GMT+7

VTV.vn - Đối với các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm cần áp dụng biện pháp xử lý nghiêm túc, công khai, không được bao che để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm.

Chiều ngày 7/1, ngay sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động hai cơ sở sản xuất bim bim và bánh kẹo tại điểm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố, đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hà Nội: Xử lý nghiêm, không bao che cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà làm việc với UBND huyện Hoài Đức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh rằng Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, đặc biệt tập trung vào các khu vực cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như huyện Hoài Đức. Với những cơ sở bị phát hiện vi phạm qua kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện phải xử phạt nghiêm minh, đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục triệt để những sai phạm mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Sau đó, các đơn vị phải báo cáo lại với Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội.

“Cơ quan chức năng của huyện phải giám sát, theo đến cùng việc khắc phục sai phạm của cơ sở. Chúng tôi sẽ tái kiểm tra, xem có thực hiện đúng yêu cầu tạm dừng hay không. Chúng ta phải có biện pháp, chính quyền địa phương phải vào cuộc và phải làm đến cùng. Để làm sao, cơ sở nhận thức được sai phạm đó mà thực hiện cho đúng”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tất cả các biện pháp xử lý vi phạm phải được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, không bao che. Qua đó, các cơ sở vi phạm sẽ nhận thức rõ sai phạm, từ đó đầu tư lại và lấy lại uy tín.

Đối với làng nghề La Phù, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà yêu cầu cơ quan chức năng của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra và rà soát một cách toàn diện, đồng thời công khai các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn và phổ biến quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, cũng như các mức xử lý vi phạm cho các cơ sở.

Sau khi hoàn thành công tác tập huấn và tuyên truyền, chính quyền địa phương cần tiến hành kiểm tra lại để đánh giá việc thực hiện của các cơ sở. Trường hợp cố tình tái phạm, phải áp dụng biện pháp xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 là 'thời gian vàng' để các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các mặt hàng phục vụ Tết. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra cần tiếp tục được duy trì sau dịp Tết và trong mùa lễ hội, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong giai đoạn này nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Trước đó, vào sáng ngày 7/1, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất và yêu cầu tạm dừng hoạt động hai cơ sở sản xuất tại điểm công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức bao gồm: cơ sở sản xuất bim bim thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Thực phẩm Đức Vinh (địa chỉ số 2 đường Thanh Niên) và cơ sở sản xuất kẹo, bánh quy của Công ty Cổ phần Công nghiệp Thực phẩm An Đông (địa chỉ Cụm công nghiệp La Phù, xã La Phù) do phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo từ UBND huyện Hoài Đức, địa phương hiện có 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 9 làng nghề chế biến thực phẩm. Trong dịp Tết năm nay, các đoàn kiểm tra của huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát 66 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Qua đó phát hiện và xử lý 34 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 593 triệu đồng. Đồng thời, các lực lượng chức năng đã tịch thu và tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 322 triệu đồng, cũng như chuyển 1 vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước