HIV/AIDS có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi tại Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 02/12/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - 80% các trường hợp nhiễm HIV mới thuộc nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Trong khi đó, nguồn thuốc dự phòng HIV tài trợ sẽ không còn từ năm 2026.

Báo động lây nhiễm HIV trong nhóm LGBT

1/12 là Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV. Thế nhưng, HIV/AIDS không chỉ là vấn đề của riêng ngày 1/12, mà nó vẫn đang là mối đe doạ của cộng đồng trong 40 năm qua.

Tại Việt Nam, kể từ người nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Chỉ riêng trong 9 tháng của năm nay, cả nước ghi nhận thêm hơn 10.200 người HIV dương tính, hơn 1.100 người tử vong.

HIV/AIDS có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi tại Việt Nam - Ảnh 1.

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi và thay đổi hình thái lây nhiễm. Đáng nói là nhiều trường hợp nhóm nguy cơ lây nhiễm vẫn còn chưa được ghi nhận để tiếp cận các dịch vụ y tế.

Không biết lây từ đâu và từ lúc nào, gần 90% số bệnh nhân nhiễm HIV mới, đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thuộc nhóm quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, chủ yếu là thanh niên trẻ, có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người đồng giới nên bị nhiễm HIV. Đáng nói, rất nhiều người phát hiện muộn dẫn đến việc điều trị khó khăn.

Tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng

Chủ quan, sợ bị kỳ thị là những nguyên nhân chính khiến việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã trở thành đường lây chính của dịch bệnh này, thay vì lây qua đường máu như giai đoạn trước đây. Tính tới tháng 9 năm nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố có người nhiễm HIV.

Số liệu mới nhất từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 47% năm 2010 lên 84% năm 2022 và 75% vào năm 2023.

HIV/AIDS có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm tới 3/4).

Số lượng người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính là trên 10%. Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy người chuyển giới nữ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 66 lần so với nhóm cộng đồng chung.

HIV/AIDS có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi tại Việt Nam - Ảnh 3.

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Một trong những biện pháp để dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang được khuyến khích hiện nay là sử dụng thuốc kháng HIV cho người chưa nhiễm HIV - PrEP. Cả nước hiện có 219 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - của cả nhà nước và tư nhân tại 29 tỉnh, thành phố.

Hiện có hơn 31.200 người đang dùng loại thuốc này. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với số lượng người có nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng hiện nay, đặc biệt là nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới LGBT.

Trong khi đó, điều lo lắng nhất đối với những người hoạt động cộng đồng đó là nguồn thuốc dự phòng HIV sau này. Bởi đến nay, toàn bộ chi phí khám điều trị bằng PrEP đều do các dự án của nước ngoài tài trợ.

HIV/AIDS có xu hướng tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi tại Việt Nam - Ảnh 4.

Hiện có hơn 31.200 người đang dùng thuốc kháng HIV cho người chưa nhiễm HIV - PrEP

Các dự án này sẽ kết thúc vào năm 2026. Trong khi đó các chương trình điều trị PrEP hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để được chi trả bằng ngân sách nhà nước, vì PrEP là dịch vụ mang tính chất dự phòng.

Năm nay tròn 40 năm Thế giới phát hiện có sự tồn tại của virus HIV và 33 năm Việt Nam ứng phó với căn bệnh HIV/AIDS kể từ ca nhiễm đầu tiên.

Chủ đề của năm nay là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Như vậy là chỉ còn 7 năm nữa với rất nhiều thách thức mới.

Phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo hơn, hiệu quả hơn vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS cũng như diễn biến dịch bệnh đã có nhiều thay đổi.

Có như vậy, mới có thể kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước