Hỗ trợ thiệt hại nông nghiệp do thiên tai vẫn còn nhiều bất cập

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/10/2024 19:33 GMT+7

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị định 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh bộc lộ nhiều bất cập.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cuối tháng 9 vừa qua, về thiệt hại do bão số 3 - bão Yagi, chỉ riêng ngành nông nghiệp thiệt hại 30.800 tỷ đồng, bằng gần 40% tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3. Hàng trăm nghìn héc ta lúa, cây hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hàng triệu con gia cầm và hơn 44.000 gia súc bị chết.

Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện từ năm 2017 tới nay. Qua cơ chế này, thời gian qua, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ hơn 6.000 tỷ đồng cho các hộ nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua với sức tàn phá khốc liệt gây thiệt hại nặng nề khiến nông dân và doanh nghiệp điêu đứng, cơ chế hỗ trợ này cũng đã bộc lộ những vấn đề bất cập.

Hỗ trợ thiệt hại nông nghiệp do thiên tai vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 1.
Hỗ trợ thiệt hại nông nghiệp do thiên tai vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 2.

Giờ cứ hỏi đến chuyện vườn tược là bà Hằng lại không cầm nổi nước mắt. 4 sào vườn bị thiệt hại khi nước lũ về quá nhanh.

4 sào vườn của gia đình bà Phạm Thị Hằng (huyện Văn Giang, Hưng Yên) bị thiệt hại do nước lũ về quá nhanh, gia đình chở tay không kịp. Giờ là lúc, bà Hằng cần tiền mua giống nhưng tiếc một điều cây cảnh lại chưa thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 02.

"Mình cũng mong được hỗ trợ như người trồng lúa, trồng rau, đầu tư cây cảnh cũng tốn kém hơn hẳn", bà Hằng cho biết.

5h ha trồng rau và cây ăn quả trong nhà lưới của nhà anh Trần Văn Bảy (xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội) gần như mất trắng. Mức hỗ trợ 2 triệu/ha so với đầu tư nhà màng nhà lưới khó có thể giúp phục hồi sau lụt. Theo anh Bảy, "giờ mức hộ trợ phải tầm 10% thiệt hại thì mình mới có cơ sở khôi phục".

Hỗ trợ thiệt hại nông nghiệp do thiên tai vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 3.

5h ha trồng rau và cây ăn quả trong nhà lưới của nhà anh Bảy gần như mất trắng.

Tổng thời gian để thực hiện tất cả các thủ tục hỗ trợ tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn. Như vậy, sau hơn 2 tháng mà tiền hỗ trợ chưa chắc đến được tay nông dân thì việc khôi phục đã quá muộn.

Theo tổng kết kết quả thực hiện Nghị định 02 từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, chưa tỉnh nào triển khai được hoạt động hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thủy sản nên có thể nói chính sách này chưa "đến được" với người nuôi trồng thủy sản. Sự hỗ trợ chỉ hiệu quả khi nhanh, đúng và trúng liều lượng, thời điểm để chính sách thực sự có sức sống chứ không chỉ là tính tinh thần

Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 02 hỗ trợ nông nghiệp sau thiên tai

Không phải đến tận bây giờ mà từ 2 năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 02 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh.

Từ tháng 7 năm nay, bản dự thảo này đã được công khai lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một số điểm căn bản được phần lớn các đơn vị liên quan ủng hộ xem xét sửa đổi:

- Về đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và các đối tượng khác đang không thuộc đối tượng được hỗ trợ trong khi đây là đối tượng đóng góp lớn cho Quỹ phòng, chống thiên tai.

- Về điều kiện hỗ trợ: Các hộ chăn nuôi tập trung phải có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận hoặc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nhưng các điều kiện này hầu như các hộ nuôi trồng thủy sản không đáp ứng được do chủ yếu là hộ nhỏ lẻ, sản xuất hộ gia đình nên hầu hết không thực hiện kê khai ban đầu hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch...

- Về mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ quy định từ năm 2017, trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại.

Sớm thay đổi mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai

Ngay sau cơn bão số 3 với những thiệt hại nặng nề, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện sớm việc soạn thảo Nghị định 02, sửa đổi, bổ sung một số điều trình Chính phủ thông qua vào đầu tháng 11.

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhiều điều kiện hỗ trợ đã được thay đổi theo hướng có lợi cho nông dân, giúp chính sách thức sự phát huy vai trò là đòn bẩy khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất các loại cây trồng, vật nuôi sẽ được điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp theo giai đoạn sinh trưởng chứ không đánh đồng một mức như trước đây. Mức hỗ trợ sẽ tăng bình quân 2,7 lần so với trước đó, có đối tượng tăng 1,5 lần, có đối tượng tăng 3 lần. Cơ sở tính toán không dựa trên mức sống mà dựa vào giá của vật tư nông nghiệp đầu vào từng lĩnh vực.

Theo nghị định sửa đổi trình Chính phủ xem xét, các hộ dân và doanh nghiệp sẽ không cần phải làm đơn xin hỗ trợ. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp xác nhận thiệt hại. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình xác nhận để hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh.

Dù sửa đổi nhưng Nghị định 02 vẫn giữ nguyên tinh thần là một chính sách hỗ trợ chứ không phải là một giải pháp đền bù. Nhà nước là một trong những nguồn lực giúp vực dậy sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, cộng hưởng cùng công tác xã hội hóa. Với diễn biến thiên tai ngày càng khó lường thì chính nông dân và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị cho rủi ro ập tới.

Nghị định 02 được sửa đổi trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt sẽ là điều tất yếu. Chính sách hỗ trợ thiệt hại thiết thực song hành cùng chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp được coi là một giải pháp bền vững giúp cho nông dân và doanh nghiệp vực dậy trong khó khăn.

Những khó khăn về nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung chắc chắn còn phải mất một khoảng thời gian dài nữa mới có thể khắc phục. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực chung tay với người dân khôi phục sản xuất.

Hoa nở sau bão

Làng trồng đào và quất ở xã Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, nhìn từ trên cao vẫn một màu xanh. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ từng cây mới thấy các kiểu "chết xanh". Lá xanh nhưng cụp, không mở, rễ tổn thương nặng. Lá vẫn xanh nhưng cây đổ, chỉ còn một phần rễ trong đất.

"Nó vẫn phủ màu xanh là vẫn giữ chất, giữ nước ở trong thân, phải 1-2 tháng nữa mới chết. Mình nhập một gốc đào đá trên rừng có gốc 500.000 đồng, 1 triệu đồng, thậm chí có gốc 10 triệu đồng nên cố gắng giữ gốc để năm sau mình đỡ phải tái đầu tư lại", anh Nguyễn Trọng Tiến, người trồng đào, cho hay.

"Còn nước còn tát" nên đều đặn các cán bộ nông nghiệp của huyện và thành phố vẫn đến hướng dẫn cho bà con cách dưỡng gốc đào.

Là một trong những hộ trồng hoa lớn ở huyện An Dương, trang trại nhà anh Xanh bị thiệt hại phần lớn diện tích do bão. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng chủ động tiêu nước úng ở ruộng, ứng dụng công nghệ trong ươm mầm cây và nhiều biện pháp khác, các vườn hoa đã dần khoe sắc trở lại.

Trước thiên nhiên, con người luôn nhỏ bé. Thế nhưng những bó hoa được thu hoạch chỉ 1 tháng sau khi cơn bão đi qua đã thể hiện cho sự nghị lực, chủ động, tích cực khôi phục sản xuất của bà con nông dân.

Những bông hoa đã nở sau bão, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người nông dân vẫn lạc quan, vẫn nỗ lực vươn lên. Và để giúp họ hiệu quả nhất, không cách gì khác là mau chóng điều chỉnh Nghị định 02 để có những chính sách hỗ trợ thiết thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước