Mùa xuân năm 1973, cách đây 50 năm, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) đã được ký kết. Phải kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày, Bản hiệp định mới được chính thức ký kết, nó đã kết thúc cuộc đấu trí cam go, phức tạp nhất thế kỷ XX và cũng là một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Thắng lợi từ Hiệp định Paris đã tạo tiền đề để quân và dân cả nước làm nên đại thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Kiều bào góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris
Đóng góp chung vào thắng lợi của Hiệp định Paris có một phần không nhỏ của bà con Việt kiều khi đó đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp - những người đã thầm lặng đóng góp, giúp đỡ, bảo vệ và ủng hộ cho 2 đoàn đàm phán của Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ. Trong thâm tâm những người con Việt Nam tại Pháp, chỉ cần đất nước cần, làm được gì, họ sẵn sàng làm dù khó khăn đến đâu, bởi họ biết những khó khăn ấy không thấm vào đâu so với những gian khổ, hy sinh mà đồng bào trong nước phải chịu lúc bấy giờ. Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông, luôn có trong mỗi người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc.
Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những tháng ngày đồng hành, hỗ trợ cho phái đoàn tham gia đàm phán để Hiệp định Paris được ký kết, là ký ức không thể nào quên với các sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Khi ấy, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng vừa mới đôi mươi, tham gia vào đội văn công, biểu diễn tại Pháp và các nước Tây Âu. Đi biểu diễn văn nghệ, nhưng văn nghệ chỉ là phần phụ, phần chính là thông qua các ca khúc cách mạng hát về Bác Hồ…, họ tập hợp quần chúng, kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trên bàn đàm phán với Mỹ.
Nhờ đó, nhiều cuộc mít tinh, xuống đường biểu tình vì nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam đã diễn ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Tham gia Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp (1965 - 1978) - chia sẻ: "Mặc đồ giải phóng, khăn rằn, dù đi đâu mình cũng là Người Việt Nam. Trong hội tụi mình chỉ hát bài cách mạng thôi".
Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc hội đàm của Hiệp định Paris, nhà của vợ chồng PGS. TS. Nguyễn Văn Bình trở thành cơ sở vững chắc và gắn bó mật thiết với các hoạt động Phong trào Việt kiều yêu nước. Không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt, tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ cho phái đoàn Việt Nam. Họ tham gia bảo vệ vòng ngoài, lái xe, đi chợ, nấu ăn cho đoàn một cách tự nguyện.
Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 16 ngày với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn, Bản hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết. Kết thúc cuộc đấu trí cam go, phức tạp nhất nhất thế kỷ XX.
Ngày 27/1/1973, khắp các con đường Thủ đô Paris, nước Pháp, đông đảo bà con Việt Kiều và bạn bè quốc tế đã tới sớm, với rừng cờ hoa, biểu ngữ và những tiếng hò reo ủng hộ chiến thắng của Việt Nam trên bàn đàm phán.
Hiệp định Paris không chỉ tập hợp một lực lượng lớn Kiều bào và du học sinh ủng hộ, mà họ còn chính là lực lượng tiên phong, sẵn sàng về nước chung tay kiến thiết đất nước sau khi hiệp định được ký kết, đoàn kết, chung một khát vọng thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi" - ước vọng mà Bác Hồ luôn đau đáu đã được toàn dân tộc tiếp nối để ngày đoàn tụ sớm thành hiện thực. 2 năm sau Hiệp định Paris, Việt Nam đã thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, non sông nối liền một dải. Tiếp nối truyền thống anh hùng, thể hiện ý chí sắt đá của các thế hệ người Việt - mang trong mình khát vọng "độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam", hàng chục năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân đã gác lại tình cảm riêng tư, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hiên ngang trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Trên những chuyến hải trình đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, các đoàn công tác đều tổ chức buổi lễ trang trọng, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình yên của biển trời Tổ quốc.
Những trận cuồng phong vào các năm 1990, 1996, 1998 và 2000 đã làm sập một số nhà giàn. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển sâu vì sự trường tồn của những cột mốc chủ quyền.
Tết trên Nhà giàn DK1/10, cùng nhau chuẩn bị mâm ngũ quả, trang trí cây quất cảnh, mai, đào, gói bánh chưng và cùng nhau nấu bữa cơm tất niên thật tươm tất. Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, tình cảm ấm áp, sự quan tâm, chia sẻ của đồng đội và tình yêu biển đảo là động lực để các anh vượt qua nỗi nhớ đất liền, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển.
Không thể chuyển quà Tết lên nhà giàn bằng xuồng, đoàn công tác đành phải gói ghém hàng hóa cẩn thận, rồi tặng quà qua dây. Gặp được các chiến sĩ, vẫy tay chào nhau, nhưng không thể nắm tay, hay trao nhau một cái ôm động viên thật chặt, ai cũng nghẹn ngào…
Hơn 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân đã gác lại tình cảm riêng tư, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Ở đó có những người lính trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi, cứ tiếp nối lên đường bảo vệ phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.
Tri ân quá khứ - Tiếp nối lịch sử anh hùng
Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ cứ tiếp nối nhau như thế, gác lại gia đình, gác lại hạnh phúc riêng làm người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng. Đây là những dòng thư, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương gửi về cho vợ trong chuyến đi công tác. Trong đó, có những dòng chữ mộc mạc, nửa thật, nửa đùa: "Sau chuyến công tác này, anh sẽ xin xuất ngũ. Khi về anh sẽ không làm gì cả, chỉ giữ nhà cho em…". Thế nhưng, đã không có lần sau, bởi trong lúc bảo vệ biển đảo tại quần đảo Trường Sa, chỉ sau khi viết bức thư này ít ngày, ông cùng nhiều đồng đội đã hy sinh.
Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương đã hy sinh. Ông cùng 63 đồng đội hy sinh trong lúc bảo vệ biển đảo tại quần đảo Trường Sa, ngày 14/3/1988. Lúc hy sinh, ông không hề biết vợ mình đã mang thai đứa con đầu lòng.
Thượng úy Trần Thị Thủy - Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải Quân nhân dân Việt Nam - chia sẻ: "Lúc mình ra đời, bố em đã hy sinh rồi nên những hình dung của mình về bố chỉ thông qua những câu chuyện của ông bà nội, của mẹ cũng như là của các bác kể lại. Mẹ cũng kể lại mình giống hệt như bố, một khuôn luôn, không có gì khác cả. Đây cũng là sự tự hào của mình đối với bố của mình".
Lớn lên trong sự yêu thương của mẹ và những câu chuyện về người bố anh hùng. Dù đi bất cứ đâu, Thủy luôn mang theo quyển nhật ký, kỷ vật duy nhất của bố để lại khi ngã xuống. Và cũng từ đó, tình yêu với biển đảo quê hương được nung nấu trong người.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Quảng Bình, Thủy nối nghiệp người cha kính yêu bảo vệ biển đảo Tổ quốc ở tuổi 22. Hiện chị đang là chiến sĩ Hải quân, công tác ở chính đơn vị của cha mình trước đây: Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, còn có tên là Đoàn Trường Sa, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thủy thắp nén hương lên trên tượng đài cho bố và các đồng đội đã hy sinh. Bên trên tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma là hình tượng vòng tròn bất tử muôn đời hướng ra biển Đông. Tri ân quá khứ, tiếp nối lịch sử, Thủy và các đồng đội coi đó là trách nhiệm của thế hệ đi sau.
Khát vọng hòa bình của người chiến sĩ mũ nồi xanh
Tiếp nối truyền thống anh hùng, thể hiện ý chí sắt đá của các thế hệ người Việt mang trong mình khát vọng hòa bình, 8 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 500 quân nhân Việt Nam tham gia tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại châu Phi. Đây chính là những "sứ giả hòa bình" của Việt Nam. Họ đã truyền đi bức thông điệp về một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt... Họ cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp Việt Nam tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần tạo thế và lực cho Việt Nam, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Trong số 70 thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 chuẩn bị đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan, có gần 10 chiến sĩ trở lại tham gia lần 2, lần 3.
Đây là lần thứ 3, Đại úy Nguyễn Mạnh Hiệp tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam. Những ngày phép cuối năm, anh chọn sum vầy bên gia đình nhỏ. Dạy các con học, đưa cả nhà đi chơi Tết, chụp ảnh kỷ niệm, phần để bù đắp cho các con trong suốt những năm tháng đi công tác trước đó, phần để cả gia đình có thêm kỷ niệm, trước khi tiếp tục lên đường công tác lần 3.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 đặt tại Bentiu, là một trong những điểm nóng về bất ổn an ninh tại Nam Sudan, cơ sở vật chất thiếu thốn. Trở lại tham gia lần thứ 3, Đại úy Cao Tiến Huỳnh không chỉ là đồng đội thân thương với các thành viên mới, mà còn được xem như "người thầy", tận tình chia sẻ những kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ y tế và kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt.
Một buổi luyện tập, xử trí các tình huống cấp cứu đường không. Từng thao tác cấp cứu trong quá trình vận chuyển bệnh nhân được các y bác sĩ thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng. Không chỉ đảm bảo về trình độ chuyên môn, thể lực, mà còn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các nhân viên y tế, để kịp thời cứu bệnh nhân trong thời gian vàng.
Đến nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 đã tham gia các hoạt động huấn luyện theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, sẵn sàng thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 vào năm 2023.
Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Các chiến sĩ quân y xông pha tại điểm nóng của thế giới, không chỉ chứng minh cho thế giới thấy được trình độ của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn là những sứ giả đại diện cho dân tộc Việt Nam yêu hòa bình và đầy tinh thần trượng nghĩa.
Không ngại khó khăn, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay tiếp bước truyền thống cha ông, lên đường góp phần lan tỏa tinh thần yêu chuộng hòa bình với hình ảnh những chiến sĩ mũ nồi xanh…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!