Không ít vụ việc chỉ được phát hiện khi một diện tích lớn rừng đã bị xóa sổ. Phải chăng là do chính quyền, lực lượng chức năng bất lực, buông lỏng quản lý, làm ngơ để lâm tặc phá rừng?
Tại hiện trường vụ phá hơn 387ha rừng tại tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, nhiều cây bị cưa hạ thân còn đang chảy nhựa, lá vẫn xanh tươi. Cạnh đó là những cây đã khô héo từ lâu, nằm ngổn ngang cho thấy đây không phải lần đầu việc phá rừng diễn ra tại đây nhưng đơn vị được giao trách nhiệm quản lý diện tích rừng là UBND xã Ya Tờ Mốt vẫn để xảy ra phá rừng trái pháp luật và không ngăn chặn kịp thời.
Tình trạng phá rừng trái pháp luật ngày một gia tăng
Thực tế, vị trí rừng bị phá nằm cách UBND xã Ya Tờ Mốt khoảng 15 km. Đường bằng phẳng, chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển bằng xe máy. Theo người dân sinh sống ở đây, các đối tượng tổ chức tập kết máy móc với quy mô lớn vào phá rừng. Và chỉ khi hàng trăm ha rừng bị xóa sổ, chính quyền địa phương mới có mặt để tìm hướng xử lý.
So với năm 2020, diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk đã giảm hơn 11.600ha, tỷ lệ bao phủ rừng giảm 0,4%. Những cánh rừng dần biến mất cũng là lúc sự yếu kém của chính quyền địa phương được bộc lộ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ kiểm lâm đã bị kỷ luật, thậm chí phạt tù do liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điều này phần nào lý giải vì sao tình trạng phá rừng lại khó kiểm soát đến vậy.
Cuối cùng, dù cho lực lượng chức năng có tìm ra được những kẻ đã tham gia hủy hoại rừng thì cũng phải rất lâu nữa, những nơi từng được gọi là rừng mới có thể phục hồi, phát triển như ban đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!