Khoảng trống trong công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 04/06/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngoài việc không kiểm soát được vệ sinh thực phẩm, dễ bùng phát dịch bệnh thì cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không phép còn đang khiến nhà nước hao hụt một khoản thu rất lớn.

So với cách đây 10 năm, giết mổ nhỏ lẻ đã giảm gần 5.000 cơ sở. Có 4 tỉnh xóa bỏ hoàn toàn giết mổ nhỏ lẻ và 3 tỉnh chỉ còn dưới 10 cơ sở nhưng mức giảm này vẫn chậm khi trên cả nước mới chỉ có 25% cơ sở giết mổ tập trung với 463 cơ sở. Như vậy, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn đang chiếm khoảng 75%, tương đương với hơn 24.000 cơ sở.

Ngoài vấn đề không kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ bùng phát dịch bệnh thì con số cơ sở nhỏ lẻ, không phép còn đang khiến nhà nước hao hụt đi một khoản thu rất lớn.

Theo quy định của Nhà nước, một đầu lợn nếu như được giết mổ tại cơ sở tập trung sẽ mất 7.000 đồng phí kiểm dịch và đóng vào ngân sách nhà nước, ngoài ra còn có khoảng 20.000 - 23.000 đồng nộp cho các chủ lò mổ tập trung, nguồn thu đó cũng phải nộp một phần cho nhà nước.

Khoảng trống trong công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật - Ảnh 1.

Những xe máy chở thịt lợn tươi đi rong ruổi khắp từ đường to, len lỏi vào từng con phố ở Hà Nội, lợn an toàn không sao, nhưng nếu lợn bệnh, có mầm mống virus, được chở vào tiêu thụ ở các khu chợ thì cũng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Với thực trạng này, theo Cục Thú y, thịt gia súc, gia cầm giết mổ hiện có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật khá cao do nhiễm chéo từ điều kiện giết mổ và phương tiện vận chuyển không đảm bảo. Kết quả kiểm tra mới nhất, đã có 45% số cơ sở sử dụng nước để giết mổ không đạt yêu cầu nhưng việc giảm số cơ sở nhỏ lẻ là rất khó khăn

Bên cạnh một số địa phương kiên quyết yêu cầu dừng giết mổ nhỏ lẻ như TP Hồ Chí Minh, hay bắt buộc cơ sở nhỏ lẻ phải vào điểm giết mổ quy định như huyện Thanh Trì, Hà Nội thì hầu hết các địa phương đều khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; hoặc đã có cơ sở giết mổ tập trung nhưng vẫn để tồn tại song song cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Khoảng trống trong công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật - Ảnh 2.

Điều này khiến cho số lượng động vật chuyển từ cơ sở nhỏ lẻ vào các cơ sở tập trung giết mổ còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế. Việc phát sinh thêm chi phí 50.000 - 100.000 đồng/con khi đưa vào cơ sở giết mổ tập trung cũng là lý do khiến nhiều hộ nhỏ lẻ không hưởng ứng.

Cũng vì không thống nhất quản lý trên cả nước đã khiến cho mục tiêu giảm cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ qua từng năm khá chậm. Hiện vẫn còn 7 tỉnh có số cơ sở nhỏ lẻ vượt mốc 1000, thậm chí lên tới hơn 1.700 cơ sở như tỉnh Nam Định, 14 tỉnh không có cơ sở giết mổ tập trung nào. Cả nước mới có 4 tỉnh không còn giết mổ nhỏ lẻ đó là Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước và Cần Thơ.

Là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, quản lý giết mổ đang có tới 4 luật chi phối đó là Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Quy hoạch, Luật Chăn nuôi. Trên cơ sở này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tương đối đầy đủ từ Nghị định, Thông tư đến các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đây là căn cứ pháp lý để các địa phương xây dựng và ban hành các văn bản để triển khai kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm nhỏ lẻ đối với thịt gia súc, gia cầm cũng như xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở giết mổ tập trung. Nhưng giữa văn bản chỉ đạo và thực tiễn triển khai đang là một khoảng cách rất lớn. Nhiều địa phương đang không biết bắt đầu từ đâu khi cả 2 mục tiêu đều vướng mắc, tạo ra khoảng trống quản lý

Với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gần như không có một quy định tiêu chuẩn nào, khi giao cho xã, huyện quản lý thì địa phương cũng không có căn cứ pháp lý để quản lý và đánh giá vệ sinh thú y. Không có công cụ, thiếu nhân lực nên cũng dễ hiểu vào thời điểm 1-3 giờ sáng khi hàng trăm lò mổ cùng hoạt động thì gần như vắng bóng lực lượng chức năng

Đặc biệt, tại 33 tỉnh đã tiến hành sáp nhập trạm thú y huyện về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện từ năm 2018 thì khoảng trống quản lý càng lớn. Không khó để có thể bắt gặp những trạm thú y huyện bỏ không.

Kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được, phát triển cơ sở giết mổ lớn không xong. Thực tế này khiến cho tỷ lệ đầu con được kiểm soát giết mổ trên tổng số vật nuôi xuất chuồng chỉ chiếm chưa đến 20%.

Việc chưa kiểm soát, nâng cao năng lực giết mổ, chế biến như hiện nay cho thấy kỳ vọng về việc tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030 là mục tiêu rất khó đạt được. Hiện 42 tỉnh đã ban hành quyết định quy hoạch mạng lưới giết mổ tập trung. Con số này được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi nếu như mỗi địa phương có ý thức đưa quy hoạch trên giấy vào thực tiễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước