Nhà máy giết mổ hoạt động chưa tới 50% công suất
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đô thị, theo Quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh, sau ngày 31/3, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư sẽ chuyển vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp. Theo quyết định này, đã có 5 cơ sở giết mổ trên địa bàn TP đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hiện đại hóa dây chuyền và tiêu chuẩn ATVSTP.
Tuy nhiên, thực tế sau 2 tháng thực hiện, tại phần lớn các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, số lượng lợn nhập về các cơ sở này bị giảm hơn 50% so với trước đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các thương lái "ngại" vào cơ sở giết mổ công nghiệp một phần do đã quen với giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nên khi vào giết mổ công nghiệp còn bỡ ngỡ, dẫn tới việc họ tìm hướng chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ như Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Nguy cơ phá sản cơ sở giết mổ tập trung
Không chỉ có các cơ sở giết mổ công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khi bị hụt nguồn lợn đưa vào giết mổ. Ngay tại tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, các nhà đầu tư sau khi chi hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với lò giết mổ lậu.
Năm 2020 gia đình ông Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung trên diện tích 4,3ha, gồm có khu xử lý nước thải, 2 khu giết mổ cho gia súc, gia cầm với 15 dây chuyền giết mổ, để giết mổ 2.000 gia súc và 3.000 gia cầm/ngày đêm. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, cơ sở này chỉ hoạt động đúng 2 tuần, do các thương nhân mang lợn đi mổ ở các lò mổ lậu.
Điều đáng nói là hiện nay cơ sở giết mổ này đang nợ ngân hàng 20 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả gần 500 triệu đồng nhưng với hoạt động cầm chừng không đủ doanh thu để trả nợ vay ngân hàng, nên buộc phải tháo dỡ các trang thiết bị bán trả nợ.
Hiện tại, cơ sở giết mổ này đang còn 2 dây chuyền giết mổ nhưng chỉ có 1 dây chuyền là để giết mổ 50 con lợn mỗi buổi tối, dây chuyền còn lại đang được tính sẽ bán trong thời gian tới.
Tương tự, ông Thành (Chủ cơ sở giết mổ Nguyễn Bá Thành, TP. Long Khánh, Đồng Nai) cũng bỏ ra 20 tỷ đồng để đầu tư 6 giây chuyền giết mổ lợn - gà - bò. Nhưng từ năm 2017 đến nay, mỗi đêm, cơ sở giết mổ tập trung này hoạt động trong vòng 30 phút, để giết mổ 12 con lợn.
Tỉnh Đồng Nai đang có 44 cơ sở giết mổ tập trung nhưng hiện tại 4 cơ sở đã ngừng hoạt động. Còn lại 40 cơ sở đang hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do tình trạng giết mổ lậu đang hoành hành.
Theo các chuyên gia, một khi các ngành, các cấp tỉnh Đồng Nai chưa có nhiều giải pháp xử phạt mạnh với các cơ sở giết mổ lậu thì chưa thể tạo sự sự công bằng cho các cơ sở đầu tư giết mổ bài bản, dể đẩy các doanh nghiệp giết mổ tập trung đến nguy cơ phá sản, đồng thời chưa thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Khó cạnh tranh với các lò mổ lậu
Một trong những nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này được cho là do việc triển khai xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp chưa được đồng bộ; nơi có nơi không; và việc kiểm soát xử lý các lò mổ lậu chưa được xử lý triệt để dẫn đến việc các thương lái vẫn chọn làm tại các lò mổ này để giảm gánh nặng chi phí.
Sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, mỗi tháng, nhà máy An Hạ đang phải bù lô 2 tỷ đồng cho vận hành. Chi phí giết mổ công nghiệp cao nên hơn một nửa thương lái đã chọn về các lò mổ thủ công tại tỉnh Long An, Bình Dương. Để giữ chân thương lái, nhà máy đã phải hỗ trợ 50% chi phí trong 6 tháng.
Trong khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng quy trình giết mổ công nghiệp trên phạm vi rộng; dừng hoạt động toàn bộ các lò mổ thủ công, để hạn chế tối đa việc giết mổ gia súc lậu, không đảm bảo quy trình ATVSTP thì các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An vẫn tồn tại nhiều lò mổ thủ công/lò mổ lậu.
Điều này sẽ dẫn tới một nghịch lý là trong khi TP Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công trong thành phố thì các sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận lại vẫn được vận chuyến ngược về Thành phố để cung cấp cho người dân tiêu thụ nguồn thịt này.
Do sự không đồng bộ trong quy trình giết mổ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Đông Nam Bộ đang khiến các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP bị mất lợi thế cạnh tranh về giá bán ra.
Để đảm bảo chất lượng đầu ra đối với lợn thương phẩm, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở này sẽ quản lý chặt và hạn chế nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh và đã trình UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ NN&PTNT về những tiêu chí cần phải đạt thì mới được đưa thịt lợn về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Trên thực tế, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!