Chương trình tư vấn trực tuyến: "Vui tết: người tiểu đường phòng biến chứng lên da, mắt, răng".
Không chỉ vậy người mắc bệnh tiểu thường quan tâm đến các biến chứng tiểu đường lên thận, tim… mà bỏ quên các biến chứng nguy hiểm không kém về da, mắt, răng. Kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc, dinh dưỡng, vận động giúp giảm đáng kể biến chứng tiểu đường. Ngoài ra, việc chăm sóc da, vệ sinh răng miệng, khám mắt thường xuyên sẽ phòng được các biến chứng của tiểu đường lên những cơ quan này.
20 giờ tối ngày 25/1, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Vui tết: người tiểu đường phòng biến chứng lên da, mắt, răng" với sự tham gia của 4 chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: Nội tiết - Đái tháo đường, Da liễu - Thẩm mỹ Da, Mắt, Răng Hàm Mặt.
Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ Hoàng còn là Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP. Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, với hơn 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh Da liễu - Thẩm mỹ Da, điều trị hiệu quả cho hàng triệu người bệnh, đặc biệt là những người bệnh gặp vấn đề về da có liên quan đến bệnh tiểu đường.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, có trên 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh về mắt. Bác sĩ sử dụng thuần thục các dụng cụ phẫu thuật và các máy kiểm tra mắt tân tiến, hiện đại nhằm khám mắt chuyên sâu, phát hiện các bệnh về mắt, đặc biệt là biến chứng tiểu đường lên mắt.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh có hơn 15 năm kinh nghiệm trong khám, điều trị cho hơn hàng chục ngàn người bệnh gặp vấn đề về răng miệng.
Chương trình được hàng chục nghìn khán giả theo dõi và gửi rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về kiểm soát đường huyết, các dấu hiệu biến chứng của tiểu đường lên da, mắt, răng, cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường… Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn rất tận tình cũng như giải đáp đầy đủ về bệnh tiểu đường; cách kiểm soát đường huyết; tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường; nguyên nhân - triệu chứng dẫn đến biến chứng tiểu đường lên da, mắt, răng; cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường.
Tầm soát sớm phòng biến chứng tiểu đường lên bàn chân, da, mắt, răng
Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng khuyên người bệnh tiểu đường nên tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường sớm.
Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những biến chứng mạn tính gặp nhiều, xuất hiện chậm hoặc sớm tùy vào nhóm bệnh. Việt Nam có hơn 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường, hơn 70% trong số đó bị tiểu đường type 2. Đáng lo ngại hơn 50% người bệnh tiểu đường đã có biến chứng. Các biến chứng này có thể ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe thậm chí sinh mạng người bệnh như: mù lòa, nhiễm trùng da, bệnh răng miệng, các biến chứng lên thần kinh, thận, tim mạch, tai biến mạch máu não… Người mắc bệnh tiểu đường càng lâu, không được điều trị tích cực dễ gặp những biến chứng này.
"Ngoài ra, biến chứng bàn chân ở người tiểu đường nếu không được điều trị đúng cách và sớm có thể dẫn đến loét, nhiễm trùng nặng, cắt cụt chân (đoạn chi) gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống về lâu dài, áp lực và gánh nặng kinh tế cho người bệnh. Việc tầm soát biến chứng bàn chân giúp phòng ngừa tình trạng trên nhưng chưa được quan tâm nhiều. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong tầm soát chuyên sâu về biến chứng bàn chân cho người bệnh tiểu đường. Người bệnh sẽ được khám đánh giá bàn chân, thần kinh, mạch máu, khám ABI, khám Doppler… và các chẩn đoán khác nếu cần thiết. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp để điều trị, giải quyết các vấn đề về bàn chân như: vết chai, vết loét, biến dạng…", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, người bệnh tiểu đường cần khám tầm soát các biến chứng, để được điều trị sớm.
Không biết bệnh tiểu đường đến khi mắc bệnh da liễu
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết nhiều người bệnh không biết mình bị bệnh tiểu đường đến khi mắc các biến chứng lên da.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khoảng trên 50% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng hoặc biểu hiện trên da. Có 3 cơ chế chính trên bệnh tiểu đường gây biến chứng lên da gồm: tổn thương mạch máu và thần kinh ngoại biên khiến da tuần hoàn không tốt, giảm cảm giác da; mạch máu bị tổn thương dẫn đến tuần hoàn mạch máu đến các bộ phận của cơ thể kém đi, trong đó có da thiểu dưỡng khiến vết thương ở da thì lâu lành; suy giảm chức năng của bạch cầu, bạch cầu là tế bào bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Khi người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết khiến bạch cầu suy yếu, người bệnh dễ bị nhiễm trùng cơ hội.
Bác sĩ Bích cho biết có khoảng 30 biểu hiện bệnh da do biến chứng tiểu đường, thường gặp nhất là bàn chân đái tháo đường, tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng để lại biến chứng nặng nề như hoại tử, có thể cắt cụt chân. Biểu hiện thường gặp thứ 2 là ngứa da. "Một số trường hợp không biết mắc bệnh tiểu đường đến khi có các biến chứng lên da gây ngứa kéo dài nhiều tháng. Người bệnh khám Da liễu thử máu thì phát hiện mắc bệnh tiểu đường." bác sĩ Bích chia sẻ.
Ngoài tiểu đường, ngứa da còn là biểu hiện của da khô, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng như nấm… Người bệnh tiểu đường rất dễ nhiễm vi trùng, ký sinh trùng và thường thấy nhất là nhiễm nấm candida. Nhiễm nấm candida dễ thấy ở kẽ chân, vùng kín, âm hộ, âm đạo, viêm quy đầu, thậm chí nhiễm trùng huyết do nấm nguy hiểm tính mạng.
Nhiễm trùng da thường gặp nhất là nhọt, áp xe, viêm mô tế nào do các vi trùng gram âm hoặc gram dương. Nhiễm trùng nặng nhất là viêm mô tế bào vì khó chữa và lâu lành. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các tình trạng về da khác như: xơ cứng bì gây khó cử động, bệnh gai đen nếu có kèm rối loạn chuyển hóa và béo phì, u mềm treo, u hạt vàng, hoại tử mỡ…
Biến chứng tiểu đường lên da có nhiều triệu chứng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống, tính mạng của người bệnh. Nếu người bệnh tiểu đường có biểu hiện bất thường trên da cần gặp bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường và Da liễu để được điều trị phù hợp.
Khám mắt định kỳ phòng biến chứng mù lòa do tiểu đường
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt khuyên người bệnh tiểu đường để bảo vệ thị lực cần kiểm soát tốt đường huyết và khám mắt định kỳ hàng năm.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tiểu đường là một bệnh mạn tính ảnh hưởng lên các mạch máu gây ra hàng loạt biến chứng, trong đó có biến chứng ở mắt. Tại mắt có thể có các biến chứng như: đục thể thủy tinh (cườm khô), glocom, cườm nước. Đặc biệt, võng mạc tiểu đường là nguy hiểm nhất vì gây mù lòa nhưng biểu hiện bệnh rất âm thầm. Khi bệnh đã có triệu chứng nguy cơ thị lực đã giảm nhiều, gần như mù lòa. Người bệnh tiểu đường nếu đã có biến chứng lên mắt nặng thì việc điều trị phục hồi thị lực tương đối hạn chế.
"Đáng lo ngại hơn khi nhiều người bệnh còn chưa nhận thức được những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường lên mắt. Người bệnh chưa chủ động tầm soát và khám mắt định kỳ. Một số người bệnh không biết mắc bệnh tiểu đường đến lúc gặp các vấn đề về thị lực, tình cờ phát hiện tiểu đường khi khám mắt. Thậm chí một số biến chứng tiểu đường lên mắt không có triệu chứng rõ ràng đến khi tiến triển nặng." Bác sĩ Tùng chia sẻ.
Theo thống kê ở Mỹ người bệnh tiểu đường có nguy cơ mù lòa cao gấp 25 lần so với dân số chung và 1/3 người tiểu đường sẽ mắc 1 dạng bệnh nào đó của võng mạc tiểu đường. Trong 10 ca mắc võng mạc tiểu đường thì 1 ca bị nặng như phù hoàng điểm tiểu đường hoặc võng mạc tiểu đường thể tăng sinh.
Bác sĩ Tùng khuyên người bệnh tiểu đường nên khám mắt định kỳ hàng năm ít nhất một lần, tùy vào tình trạng bệnh bác sĩ có thể chỉ định tái khám thường xuyên hơn. Việc này nhằm phòng và phát hiện điều trị sớm biến chứng tiểu đường lên mắt.
Tiểu đường dễ mắc bệnh nha chu
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Châu Bản cho biết người bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh nha chu hơn người bình thường và nguy cơ mất răng do viêm nha chu nếu không được điều trị sớm.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết thông thường người bệnh tiểu đường sẽ không quan tâm nhiều đến sức khỏe răng miệng cho đến khi có các vấn đề đau nhức, chảy máu nướu… Ở người bệnh tiểu đường có rất nhiều biến chứng, răng cũng là một bộ phận trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng của bệnh tiểu đường. Người bệnh sẽ có nguy cơ giảm vị giác ở lưỡi, ăn không ngon, dễ bị sâu răng, viêm nướu. Tương tự như biến chứng tiểu đường lên da và mắt. Ở bệnh răng miệng, nhiều trường hợp nhổ răng sâu, được chỉ định xét nghiệm thì phát hiện bị tiểu đường.
Bệnh răng miệng gặp nhiều ở người bệnh tiểu đường là viêm nha chu và có khả năng tiến triển nặng hơn người bình thường. Bệnh nha chu biểu hiện đầu tiên có thể là viêm nướu nhẹ, chảy máu nướu, nặng hơn là lung lay, đau nhức, sưng nhiều. Ở người bệnh viêm nha chu không kèm bệnh tiểu đường sẽ được điều trị bằng nội khoa (dùng thuốc) kết hợp vệ sinh răng miệng. Nhưng ở người bệnh tiểu đường điều trị nha chu sẽ phức tạp và chậm lành hơn, nếu không điều trị sớm có thể không giữ được răng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!