Hơn 30 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện ca bệnh tại cộng đồng là luôn thường trực. Trong lúc này, nhiều người dân và một số cơ sở y tế đã bắt đầu lơ là mất cảnh giác trong công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.
Bài học kinh nghiệm từ Bệnh viện Đà Nẵng
Bệnh viện Đà Nẵng trở thành ổ siêu lây nhiễm với hơn 500 trường hợp mắc COVID-19, xuất hiện tại gần 20 tỉnh, thành phố. Nghiêm trọng hơn, hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 khi đó đang có bệnh mãn tính, phải chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư hoặc đang phải điều trị tích cực. Ngành y tế cả nước đã phải dồn toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng tuy nhiên, vẫn có 35 bệnh nhân nặng đã tử vong.
Ngày 15/9, Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động trở lại sau cách ly. Ngay lập tức, bệnh viện phải tổ chức 4 khu phân luồng tại khu cấp cứu, khu khám bệnh và khu chuyên biệt, sàng lọc những bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt.
Dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, ngày 25/9, Đà Nẵng đã trở lại trạng thái bình thường mới. Trải qua 1 tháng gian khó, mọi hoạt động đình trệ, cuộc sống đảo lộn, người dân Đà Nẵng và cả nước càng thấm thía cái giá phải trả khi để dịch bùng phát.
Bệnh viện chính là lá chắn để phát hiện sớm nhất các ca nghi ngờ. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khám chữa bệnh vô cùng quan trọng, cần thực hiện nghiêm túc và lâu dài.
Giải pháp an toàn bệnh viện
Bộ Y tế khẳng định sẽ đình chỉ người đứng đầu cơ sở y tế nếu để xảy ra lây nhiễm chéo COVID-19. Thời gian qua, đã có gần 1.400 bệnh viện được kiểm tra và đánh giá an toàn bệnh viện trong đó có 28 bệnh viện phải đóng cửa tạm thời để hoàn thiện quy trình một cửa, sàng lọc bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Phúc (Bắc Ninh) đã phải tạm đóng cửa một tuần để khắc phục và hoàn thiện quy trình sàng lọc, phân loại, khai báo y tế và bố trí phòng lưu trú bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19. Sau nhiều lần kiểm tra, đánh giá, bệnh viện đã được mở cửa hoạt động trở lại.
Không chỉ thực hiện đảm an toàn bệnh viện, tất cả các bệnh viện tại Bắc Ninh đã xây dựng kịch bản với các tình huống nếu xuất hiện ca bệnh COVID-19 thì sẽ phải thực hiện cách ly, điều trị như thế nào.
Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn bệnh viện trong đó có những quy định bắt buộc phải thực hiện như phải đeo khẩu trang đầy đủ, ngồi giãn cách và phòng khám sàng lọc bệnh nhân hô hấp. Nếu chỉ một trong những nội dung bắt buộc này không đảm bảo, cơ sở y tế sẽ phải đóng cửa.
Tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn tiếp tục đón người nhập cảnh. Chúng ta vẫn đang có các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người về Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị lãnh đạo các bệnh viện tiếp tục rà soát lại các quy trình để đảm bảo thực sự an toàn trong tình hình hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!