Làm cách nào để nâng cao tầm vóc học sinh, sinh viên Việt Nam?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/05/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động thể lực chính là giải pháp để cải thiện thể chất của các em.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em thành thị tăng hơn gấp đôi trong 10 năm

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc vừa được công bố, học sinh, sinh viên Việt Nam (trong độ tuổi từ 5 - 19) đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở cả vùng nông thôn và thành thị. Đó là suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi, tuy đã giảm so với 10 năm trước nhưng vẫn còn là cao, ở mức gần 15%. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực thành thị đã tăng lên trong 10 năm qua, chưa kể đến nguy cơ về các căn bệnh không lây của thời đại.

Trong năm học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm mô hình "Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực" tại 10 tỉnh thành cho học sinh mẫu giáo và tiểu học, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang. Hoạt động triển khai gồm nhiều bước, trong đó quan trọng nhất là can thiệp thực đơn bữa ăn học đường và bài tập nâng cao thể lực; đánh giá cơ sở vật chất và đề xuất cải tiến.

Làm cách nào để nâng cao tầm vóc học sinh, sinh viên Việt Nam? - Ảnh 1.

Nâng cao tầm vóc học sinh, sinh viên: Dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động thể lực

Kết thúc năm học cũng là lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo hoàn thành việc giám sát kết quả thực hiện Mô hình thí điểm, để căn cứ vào đó, từ năm sau trở đi sẽ xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Việc triển khai mô hình điểm này nhận được sự hưởng ứng của các học sinh, sự ủng hộ của các thầy cô giáo và phụ huynh.

Tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Sơn La., Trường tiểu học Tô Múa là một trong những điểm trường đầu tiên áp dụng các nội dung của Đề án bữa ăn dinh dưỡng học đường trong công tác bán trú. Các em học sinh bán trú của trường, năm vừa rồi, không cần phải mang theo cặp lồng cơm từ nhà nữa. Dù mới triển khai được vài tháng nhưng chương trình thí điểm này đã nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh.

Để các học sinh hiểu về lợi ích dinh dưỡng và trân trọng nguồn thực phẩm quanh mình, nhà trường đã đưa giáo dục kĩ năng về dinh dưỡng qua các buổi học thực tế cùng những cây rau, củ, quả. Từ đó, các em sẽ hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh và loại bỏ các món làm mất cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài bổ sung dinh dưỡng, thì vận động tích cực là yếu tố quan trọng để tăng cường thể trạng. Các bài tập của mô hình thí điểm gồm 3 nội dung vận động với dụng cụ, các động tác yoga đơn giản và các trò chơi vận động, giúp học sinh bước đầu hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe.

Kết quả thực hiện mô hình điểm sẽ là một trong những nghiên cứu thực tiễn để tiến tới luật hóa các vấn đề về dinh dưỡng học đường, phần nâng cao tầm vóc trẻ em lứa tuổi vàng của Việt Nam.

Riêng đối với trường Tô Múa, hiệu quả của Đề án thể hiện rõ ràng. Trước khi triển khai mô hình điểm, chỉ có 90 học sinh ăn bán trú nhưng sau khi triển khai, toàn bộ 125 học sinh của trường đã đăng ký ăn trưa tại trường.

Hi vọng là mô hình "bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường thể lực" sẽ sớm được triển khai ngay từ năm học tới đây trên toàn quốc. Thực tế, học sinh của các trường tham gia thí điểm đã rất thích thực đơn mới và hào hứng với các trò chơi vận động trong năm vừa qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước