Đây là một định hướng quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo quyền con người, nhất là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhiều địa phương đã tập trung giúp người dân nâng cao thu nhập - đây được coi là trụ cột an sinh ở các bản làng. Có thu nhập, có tích lũy mới thay đổi dần tư duy.
Tại vùng lõi nghèo của Tương Dương - huyện biên giới 30A, tỉnh Nghệ An, Xốp Cháo - ốc đảo trong vùng hồ thủy điện Bản Vẽ, 109 hộ dân thì 104 nhà là hộ nghèo nhưng cả bản có gần 1.000 con trâu, bò.
Cả bản Xốp Cháo có gần 1.000 con trâu, bò.
Gia đình Lô Thị Quyên là 1 trong hộ đầu tiên "dũng cảm" vay vốn chính sách. 5 triệu đồng, rồi 30 triệu và tiếp là 50 triệu để mua trâu, bò về nuôi. Có lãi, vợ chồng Duyên đã sửa lại nhà sàn hết 80 triệu. Và giờ không còn sợ nghèo vì có tới 13 con trâu bò.
Chưa bao giờ, Xốp Cháo có nhiều gia đình cùng sửa lại nhà như cuối năm nay. Đó là những hộ có nhiều trâu bò trong bản.
Trong căn lều lá 4 bề gió lùa, Moong Thị Thức cũng sốt ruột. Nhà khác vay càng nhiều càng khá, còn nhà mình cứ ngại như cũ thì bao giờ mới có nhà mới.
Chuyện "vay tiền về treo gác bếp" không còn ở bản này. Cả bản nhìn nhau mà thay đổi - giờ nhà ít 3 con, nhà nhiều tới 30 con trâu, bò. Những người "liều" vay vốn đầu tiên giờ lại là những hộ có tài sản. Ở đây không điện, không đường, không sóng điện thoại nhưng yên tâm vì có tích lũy.
Ba năm trở lại đây, tỉnh Nghệ An đã dành nhiều nguồn lực cho vùng lõi nghèo phía Tây. Nhiều hộ nghèo, bản nghèo không ỷ lại vào nhận hỗ trợ mà chủ động, mong muốn được vay vốn để thoát nghèo. Người dân vùng lõi nghèo không "sợ vay, sợ nợ" mà thay đổi tư duy thành "có vay, có làm, có trả".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!