Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy

Hồ Trí, Thùy Dương, Phùng Định-Thứ hai, ngày 29/11/2021 12:43 GMT+7

VTV.vn - Hết nghèo đã tốt nhưng tạo sinh kế để thoát nghèo bền vững mới là mục tiêu cần thiết hơn. Nuôi con gì, trồng cây gì chính là một mắt xích quan trọng.

Có thể định nghĩa một cách dễ hiểu "thoát nghèo" là có tiền, còn "thoát nghèo bền vững" là làm chủ cách để có tiền. Tai một số huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, xem đói nghèo là nỗi sợ để... thoát nghèo, việc thay đổi tư duy đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy - Ảnh 1.

Hỗ trợ hộ nghèo cần đúng cách

Thời gian qua, công tác giảm nghèo của cả nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được quốc tế đánh giá là điểm sáng. Tuy số lượng hộ nghèo giảm đã là niềm vui nhưng làm sao để tạo sinh kế bền vững, không tái nghèo mới là mục tiêu cuối cùng. Dĩ nhiên, đây không phải là việc dễ, không phải cứ có tiền là đủ. Bởi việc giúp hộ nghèo là việc trao cần câu, chứ không nên chỉ cho con cá.

Tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nhận được dê từ chính sách hỗ trợ thoát nghèo vùng biên, chỉ vài ngày sau là không còn con nào. Dấu hiệu nhận biết bản này từng nuôi dê là nhà nào cũng có cái chuồng trống trơn. Dê chết, tiếc cái chuồng nhiều hộ đã tự chuyển đổi sang vật nuôi khác.

Nuôi dê có phù hợp với địa lý và khí hậu nơi đây hay không thì chưa tính đến, bởi dự án hỗ trợ thì người dân cứ thế nhận nuôi. Hệ quả là thay vì thoát nghèo, cuộc sống vẫn luẩn quẩn trong vòng khó khăn. Vật nuôi không mang lại sự đổi thay thì bà con lại hi vọng vào cây trồng. Kỳ vọng lớn nhưng rồi, đâu lại vào đấy.

Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy - Ảnh 2.

Dù chán nản với cây xoan nhưng vì là "cây của Nhà nước" với mục tiêu phủ xanh đồi trọc và thoát nghèo nên bà con không dám chặt bỏ. 11 năm trước, được nhận hỗ trợ 10kg gạo/nhân khẩu, cây giống được cấp miễn phí, vì lẽ đó mà gia đình ông Mồn đã huy động hết người thân trong gia đình để trồng 4ha rừng xoan trong gần 1 tháng, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất ông cha từng khai phá.

Ban đầu khi thực hiện dự án, chính quyền tính toán, cây xoan có thể cho thu hoạch trong vòng 6 - 7 năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, sắn. Tuy nhiên, lứa đầu tiên đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa có thu hoạch. Và hiện tại, tỉnh chưa có đánh giá tổng kết thì chưa thể cho dân khai thác hay chuyển đổi cây trồng. Bởi vậy, đến nay người dân vẫn loay hoay với diện tích xoan còi cọc và cuộc sống khó khăn vẫn cứ đeo bám.

Tìm sinh kế để thoát nghèo

Việc triển khai thực hiện các dự án cần xác định vùng miền hợp lý, phải xác định nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu cũng như tập quán canh tác của bà con. Trong khi đợi chờ sự cầm tay chỉ việc, nhiều hộ gia đình cũng đã tự đi tìm những giải pháp thoát nghèo cho mình. Hiệu quả đến đâu thì chưa rõ nhưng nỗ lực bước đầu đã được ghi nhận.

Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy - Ảnh 3.

Vượt qua quãng đường rừng hơn 1 giờ đi bộ, gùi theo những cây giống mới để trồng thử nghiệm. Mỗi cây được trồng xuống là gieo thêm hi vọng. Ruộng ngô thất thu nay được thay thế bằng màu xanh của cây gai.

Từ lúc trồng đến khi thu lấy sợị là gần 2 tháng. Theo dự tính, giá 1kg vỏ khô sẽ được 40.000 đồng. Đây là vụ đầu tiên và gia đình anh Tiến là gia đình trồng thử nghiệm, hiệu quả như thế nào thì cũng chưa rõ.

Vận chuyển đến nhà máy tiêu thụ xa nên gia đình hiện vẫn còn lưu lại chờ vụ sau sẽ bán nốt. Và hôm nay, gia đình chị Thịch có tin vui vì đã có công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Chuyện ở cái huyện nghèo biên giới này, việc tìm được nhà tư máy đầu tư nguyên liệu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác là không hề dễ dàng. Tự mày mò, mang giống từ Lào về rồi chiết ra trồng dần. Sau 5 năm, vườn cam nay đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, niềm vui chưa tỏ thì nỗi lo đã tới như làm thế nào để quả ngọt và đẹp hơn.

Sự hỗ trợ của chính quyền vẫn chưa kịp thời. Mô hình sản xuất của người dân mới chỉ dừng lại ở tự phát. Vụ mùa đã đến, tuy nhiên, thành quả vẫn chưa ngọt ngào như mong đợi.

Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy - Ảnh 4.

Kế hoạch xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con vùng cao

Theo kết quả báo cáo mới đây, các mục tiêu giảm nghèo do Quốc hội và Chính phủ đề ra về cơ bản là hoàn thành. Tỉ lệ giảm nghèo chung cả nước, tỉ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỉ lệ giảm hộ nghèo người dân tộc đều đạt.

Ví dụ, năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn ở các huyện nghèo là trên 40%, có những địa bàn từ 50-70%. Nhưng đến cuối năm 2021 dự kiến sẽ xuống dưới 25%.

Để tỉ lệ này đến năm 2030 giảm xuống dưới 5% thì phải cần những giải pháp sát sườn và kịp thời, trong đó, rất cần những thay đổi tích cực hơn về cơ chế, chính sách để giúp người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế bền vững.

Đó là phát huy xóa đói giảm nghèo bằng các hình thức linh hoạt giữa trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho các đối tượng; xác định các loài cây trồng rừng gỗ lớn và các loài cây lâm nghiệp ngoài gỗ; mở các lớp tập huấn, đào tạo cho bà con để bà con có kỹ thuật nuôi trồng mô hình, đồng thời giới thiệu công ty, mạnh thường quân có thể hỗ trợ được nguồn vốn cho bà con có thể vay.

Sợ nghèo để thoát nghèo

Thay vì chấp nhận cuộc sống khó khăn, cái đói, cái nghèo bủa vây, nhiều hộ dân tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm vượt khó, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện chiếm hơn 40% dân số thì đến nay con số ấy đã giảm xuống còn dưới 5%; một sự chuyển dịch nhanh và bền vững. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thoát nghèo bền vững: Cần thay đổi từ tư duy - Ảnh 5.

Từ 1 chiếc bể nhỏ với vài con cá tầm được nuôi thí điểm, sau hơn 1 năm, anh Thanh đã phát triển mô hình nuôi cá với hàng nghìn con dù giai đoạn đầu anh gặp không ít khó khăn.

Khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra nhưng vừa làm vừa học hỏi, anh tận dụng hệ thống nước suối đầu nguồn để cải tạo bể nuôi. Đến nay, trang trại của anh mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Và anh cũng là người đầu tiên tại đây phát triển thành công mô hình nuôi cá tầm.

Không chỉ nuôi cá mà trồng luồng, trồng vầu cũng là mô hình đang được địa phương này nhân rộng. Rất nhiều gia đình đã tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có này.

Công bỏ ra thì ít mà lãi thu về thì nhiều nên đa số bà con nơi đây đều trồng vầu, trồng luồng. Đây được coi là cây mũi nhọn của địa phương. Hiện Huyện Quan Sơn đang có khoảng 42.000 ha vầu và hơn 13.000 ha luồng . Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại tại đó mà sẽ còn tiếp tục được nhân rộng. Dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân tại đây đang dần thay đổi cuộc sống, biến thách thức thành cơ hội để đổi đời.

Câu chuyện trên là 1 điểm sáng điển hình trong mô hình thoát nghèo ở 1 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, bài học thực tế trong nhiều mô hình thoát nghèo hiện nay vẫn đang tồn tại không ít những vướng mắc, khiến người dân còn phải loay hoay trong bài toán tìm sinh kế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước