Tăng giá trị nguồn thu, bảo vệ môi trường sinh thái là những lợi ích kép khi triển mô hình trồng rừng gỗ lớn. Chủ trương ý nghĩa đã và đang được ngành lâm nghiệp đẩy mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, người dân ở một số địa phương còn e dè khi tham gia chuyển đổi sang mô hình này. Hoặc có những chủ rừng lại chỉ tham gia được 1 thời gian rồi bỏ cuộc.
Nếu bán gỗ cây keo 5 - 6 tuổi thì thu về được từ 60 - 80 triệu đồng/ha nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây khoảng 10 - 14 tuổi thì lợi nhuận có thể lên tới 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân mỗi năm lúc này sẽ tăng lên gấp đôi. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để cho thấy lợi ích thu được của các chủ rừng khi tham gia chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Tính từ khái niệm về chủ trương này xuất hiện lần đầu tiên năm 2014 cho đến nay, bên cạnh những lợi ích thu được thì cũng nhiều chủ rừng bỏ cuộc, bán gỗ non.
Thống kê trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, có đến 60% hộ dân đang khai thác rừng non. Chỉ 40% hộ dân giữ được rừng đến chu kỳ kinh doanh gỗ lớn. Với việc khai thác hiện nay, chỉ tính riêng cây keo, với chu kỳ khai thác 10 năm sẽ cho thu nhập 200 triệu đồng, nhưng khai thác non, chỉ thu được một nửa. Hậu quả bán rừng non, trước mắt là cho kinh tế thấp, môi trường thì bị ảnh hưởng do khai thác, đất sẽ bị rửa trôi, và thoái hóa bởi việc chặt đi rồi trồng lại trong 1 chu kỳ ngắn chỉ 4-5 năm.
Cả nước trồng được 263.640 ha/265.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn (đạt 99,5% kế hoạch).
Cũng trong giai đoạn này, chúng ta tiến hành chuyển đổi từ gỗ bình thường sang gỗ lớn được 90.448 ha/110.000 ha kế hoạch, đạt 82,3% kế hoạch.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó tại Điều 14 và Điều 15 của dự thảo Nghị định đã quy định đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư phát triển rừng gỗ lớn để thực hiện và đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn trong các giai đoạn tiếp theo.
Mong muốn chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là nhu cầu thực tế. Gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích, chủ động được nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Tất cả sẽ được giải quyết nếu chúng ta triển khai thành công đồng bộ việc trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên với chu kỳ kinh doanh dài, chi phí trồng rừng cao hơn, trong khi đời sống kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, chủ yếu phải đi vay để phát triển sản xuất lâm nghiệp; thời gian vay vốn từ các ngân hàng ngắn, người dân còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Ông Triệu Văn Lực - Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!