Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; Thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật kịp thời, chính xác về các biến chủng mới.
Lần thứ 2 trong gần 10 tháng không có trường hợp tử vong do COVID-19
Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 7/5 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 có 3.345 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 474 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.263 ca trong cộng đồng), gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Bình, Nam Định, Lào Cai, Bắc Kạn, Gia Lai, Thái Bình, Lâm Đồng , Đà Nẵng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bình Định, Bình Phước, Thanh Hóa, Tây Ninh, Vĩnh Long, Điện Biên, Bình Dương, Đồng Tháp, Đắk Nông, Quảng Nam, Cà Mau, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, An Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.
Như vậy 8 tỉnh, thành phố còn lại không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.444 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.673.915 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.874 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.666.165 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.591.093), TP. Hồ Chí Minh (608.699), Nghệ An (482.493), Bắc Giang (385.717), Bình Dương (383.507).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở Việt Nam là: 9.318.525 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.312.335 trường hợp, trong đó có 473 nặng đang điều trị, gồm: thở ô xy qua mặt nạ: 381; thở ô xy dòng cao HFNC: 49; thở máy không xâm lấn: 9; thở máy xâm lấn: 32; thở ECMO: 2.
Ngày 7/5 cũng là ngày thứ 2 trong khoảng gần 10 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.055 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng .
Gần 4,1 triệu người ở TP Hồ Chí Minh sắp có hộ chiếu vaccine
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa cho biết hiện đã có 310 phường, xã thuộc 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức gửi 4.124.156 hồ sơ trên tổng số hồ sơ cần xác thực là 4.481.992 (chiếm tỉ lệ 92%) đến công an phường, xã để được xác thực và cấp hộ chiếu vaccine.
Trước đó, vào giữa tháng 4, để bảo đảm quyền lợi của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin và tiến đến cấp hộ chiếu vaccine khi tham gia tiêm chủng COVID-19, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản chỉ đạo tất cả các trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai chiến dịch "làm sạch dữ liệu" tiêm chủng và triển khai chữ ký số xác nhận tiêm chủng.
Theo đó, tất cả các đơn vị này phải triển khai đồng loạt chữ ký số để xác nhận tiêm chủng cho người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Ngoài ra, các dữ liệu tiêm chủng đã có cũng cần được rà soát, làm sạch để cung cấp dữ liệu cấp hộ chiếu vaccine cho người dân theo quy định.
Đến nay, toàn bộ 22/22 trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đã được trang bị chữ ký số để xác nhận tiêm chủng cho người dân; đã có 273 xã/phường/thị trấn được trang bị chữ ký số, trong đó 133 xã/phường/thị trấn đã thực hiện ký số.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 394.000 ca mắc COVID-19 và 950 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 516,8 triệu ca, trong đó trên 6,27 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (48.406 ca), Australia (44.953 ca) và Italy (40.522 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (132 ca), Italy (113 ca) và Đức (102 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong
Thái Lan đặt mục tiêu công bố bệnh đặc hữu từ tháng 7: nếu các tiêu chí được đáp ứng, Bộ Y tế sẽ công bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu vào ngày 1/7 theo kế hoạch. Theo đó, các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng, nhưng điều này cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình COVID-19 ở từng khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!