Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Đồng Tháp sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: TTXVN
Hơn 10.000 lao động tại 3 khu công nghiệp ở Đồng Tháp: Sa Đéc (TP Sa Đéc), Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh) và Sông Hậu (huyện Lai Vung) đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Số lao động trở lại làm việc đạt trên 90%, nhiều doanh nghiệp đạt 100%. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh nhiều địa phương đang lo khan hiếm nguồn lao động làm việc dịp đầu năm mới.
Tại tỉnh Phú Yên, gần 100% doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất cho cả năm 2024.
Năm qua, nỗ lực vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã bảo đảm duy trì ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh và tham gia tốt công tác an sinh xã hội. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp an tâm sản xuất, mở rộng kinh doanh và đầu tư.
Khoảng 700 doanh nghiệp với khoảng 200.000 công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Khu công nghiệp VSIP có số công nhân trở lại làm việc nhiều nhất với khoảng 75% tổng số lao động. Các doanh nghiệp khác số lao động trở lại làm việc khoảng 50%. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại vì đang chờ ký đơn hàng với đối tác. Dự kiến thời gian trở lại làm việc của các doanh nghiệp ở Bình Dương trễ nhất là ngày 25/2.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, ngày 15/2 (mùng 6 Tết), 80% người lao động ở các khối doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc, khoảng 510.000 người. Năm nay, số người lao động sản xuất ngày đầu năm không đông bằng năm 2023 do một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn về đơn hàng, đặc biệt là ngành gỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết dài ngày. Dự kiến, ngày 19/2, số lượng người lao động đi làm trở lại sẽ tăng cao hơn.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong quý I năm 2024, TP Hồ Chí Minh cần hơn 86.000 lao động. Lực lượng lao động tập trung ở các ngành, lĩnh vực như dệt may - da giày, dịch vụ lưu trú và ăn uống, chế biến thực phẩm, nhựa - cao su. Nhu cầu nhân lực ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm hơn 70%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29%, còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm gần 1%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!