Loay hoay trữ thuốc hiếm

VTV Digital-Thứ ba, ngày 08/08/2023 12:43 GMT+7

VTV.vn - Số ca mắc tay chân miệng tăng cao tại các tỉnh thành phía Nam, nhiều ca trở nặng, trong khi nguồn thuốc điều trị lại vô cùng khan hiếm.

Gia tăng số ca mắc tay chân miệng

Diễn biến dịch tay chân miệng vẫn đang phức tạp khi số ca mắc vẫn liên tục tăng cao. Đây là biểu đồ thống kê số ca mắc tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh được trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố thống kê. Nhìn vào đây chúng ta có thể thấy là đường cong có xu hướng thẳng đứng, điều này biểu hiện số ca mắc liên tục tăng cao.

Riêng tuần qua TP Hồ Chí Minh đã có hơn 2.600 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với 4 tuần trước.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh thành phía Nam liên tục ghi nhận số ca tay chân miệng tăng cao. Đáng chú ý là năm nay có nhiều ca mắc tay chân miệng ở độ nặng. Điều này đã dẫn đến tình trạng các bệnh viện phải xoay xở nguồn thuốc điều trị.

Bệnh viện xoay xở nguồn thuốc điều trị tay chân miệng

Khi dịch tay chân miệng bùng phát, nhiều phụ huynh lo lắng vì thông tin bệnh viện cạn thuốc. Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ đã chủ động liên hệ với các bệnh viện bạn chia lại thuốc Gamma Globulin, tìm các đối tác cung cấp thuốc. Tuy nhiên, với mức tăng ca bệnh nhanh với gần 600 ca nhập viện từ đầu tháng 7 đến nay, thuốc dự phòng và điều chuyển đã không đủ.

Hiện thuốc điều trị tay chân miệng Gama không còn. Mỗi ngày bệnh viện chuyển bình quân 10 ca lên TP Hồ Chí Minh.

Lượng bệnh nhân các tỉnh thành tăng cao cũng đồng nghĩa các ca chuyển về TP Hồ Chí Minh tăng, các bệnh viện cũng căng mình điều trị. Có tuần, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị tay chân miệng nặng độ 3, độ 4.

Bác sĩ Võ Thanh Vũ - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp. Hồ Chí Minh cho biết số ca nặng vô nhiều hơn so với năm ngoái. Khác biệt so với mọi năm là sốt không cao, nhưng giật mình nhiều, một số ca diễn tiến rất nhanh, từ độ 2B chuyển sang độ 3, độ 4. Vô tình trạng rất nhanh, biểu hiện triệu chứng thần kinh với suy hô hấp.

Loay hoay trữ thuốc hiếm - Ảnh 1.

Số ca nặng tăng nhanh, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh sử dụng trung bình 200 lọ IVIG để điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng độ nặng.

Các chuyên gia đã phải tính toán kỹ trong việc sử dụng thuốc để có thể đáp ứng điều trị cho trẻ trước nguồn thuốc khan hiếm.

Vì sao thuốc IVIG điều trị tay chân miệng khan hiếm?

Với việc số ca nặng tăng cao, mỗi ngày sử dụng 200 lọ IVIG, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị có các chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc thuốc điều trị tay chân miệng.

Vào cuối tháng 6, một đơn vị nhập khẩu đã nhập về 6.000 lọ thuốc IVIG. Các cơ sở y tế đã khẩn trương tiếp cận nguồn thuốc. Tuy nhiên số lượng hạn chế trong bối cảnh số ca tiếp tục tăng cao khiến các cơ sở tiếp tục gặp khó khăn.

Thuốc điều trị tay chân miệng IVIG được sản xuất bằng huyết tương. Tuy nhiên trong nước chưa sản xuất được mà hoàn toàn nhập khẩu. Dịch COVID-19 đã làm cho nguồn cung huyết tương trên toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến các nước cũng tìm nguồn cung dẫn đến khan hiếm.

Như vậy, bài toán đặt ra là cần việc dự trù cần phải chuẩn bị thật kỹ để các đơn vị nhập khẩu có cơ sở để đặt hàng. Tuy nhiên, dịch bệnh mỗi năm diễn biến khác nhau nên nếu dự trù không chính xác có thể xảy ra thừa hoặc thiếu. Vậy nên lúc này việc trữ thuốc là ý kiến mà các chuyên gia đặt ra.

Xác định nguồn cung ổn định thuốc điều trị tay chân miệng

Trước khó khăn của các cơ sở y tế, mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đã xác định được nguồn cung ứng đảm bảo nhu cầu điều trị. Trong tháng 8 này, một đơn vị sẽ nhập khẩu thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin (IVIG) miễn dịch trên tổng số 15.000 chai đã được cấp phép nhập khẩu.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng thuốc trên cho nhu cầu điều trị. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đề nghị việc xây dựng kế hoạch, dự trù và đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung về thuốc.

Loay hoay trữ thuốc hiếm - Ảnh 2.

Giải pháp dự trữ thuốc hiếm

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với những thuốc điều trị cho các bệnh lưu hành cần rà soát và tiến tới dự trữ nhằm tránh bị động. Lâu nay, các cơ sở y tế sẽ có kế hoạch dự trừ hằng năm trong kho đối với các loại thuốc điều trị tay chân miệng nhưng khi dịch bệnh tăng cao, một số nơi thiếu hụt. Do vậy, các ý kiến cho rằng thứ nhất cần có những dự báo về dịch bệnh để các cơ sở dự trù chính xác.

Theo PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan - Chủ tịch Hội Dược học, Thành phố Hồ Chí Minh, các loại thuốc hiếm nếu để các cơ sở y tế tự đứng ra dự trù sẽ gặp khó khăn. Do vậy cần thiết dự trữ ở cấp quốc gia.

"Bây giờ phải bổ sung vào kế hoạch dự trữ, đề phòng của quốc gia, Bộ Y tế phải đứng ra dự trù thuốc này. Tiến hành mua, tiến hành dự trữ và phân bổ cho các bệnh viện khi cần thiết chứ không phải là đến ngày có bệnh đó là mình thiếu thuốc", PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị về các giải pháp trữ thuốc. Thực tế các kế hoạch thành lập các trung tâm trữ thuốc quốc gia đã được tính toán thực hiện ở ba miền vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cơ chế như thế nào vẫn đang được bàn thảo.

Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định: "Phương án là giao cho các đơn vị để dự trữ thuốc. Quan trọng cơ chế chúng ta xác định mặt hàng nào, nguồn cung ứng từ đâu. Phương pháp chúng ta mua sắm dự trữ như thế nào mua sắm như thế nào".

Ngoài thuốc điều trị tay chân miệng, thuốc giải độc Botulinum, huyết thanh điều giải độc nọc rắn cũng một số thuốc được gọi là "mồ côi" tức là thuốc hiếm ít đơn vị sản xuất theo các chuyên gia cần chấp nhận cơ chế về chi phí để trữ thuốc.

Dịch bệnh diễn biến khó lường. Về lâu dài, các kiến nghị cho rằng cần có những chiến lược trữ thuốc từ sớm và tính toán sản xuất thuốc đối với các bệnh dịch Việt Nam hay gặp để chủ động nguồn thuốc điều trị cho người bệnh.

Ngoài tháo gỡ các giải pháp để điều trị tốt hơn, trước diễn biến của dịch bệnh, các giải pháp phòng bệnh được yêu cầu đặt ra để có thể giảm số ca mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng nhẹ tại Đồng Nai Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng nhẹ tại Đồng Nai

VTV.vn - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong tuần 31 ghi nhận số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng nhẹ so với tuần trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước