Đầy rẫy cạm bẫy giăng ra trên môi trường số
Chưa bao giờ như bây giờ, con người được bao quanh bởi công nghệ kỹ thuật số. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ đều có ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và Internet. Nhiều đứa trẻ bắt đầu tương tác với công nghệ kỹ thuật số ngay từ khi mới biết đi, thậm chí còn sớm hơn. Những ưu việt của mạng xã hội là không thể phủ nhận, nhưng như quý vị thấy, mặt trái của nó cũng hết sức đáng lo ngại. Nhất là với Việt Nam - một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới.
Việt Nam hiện có hơn 76 triệu người dùng Facebook. Còn TikTok mới vào Việt Nam 3 năm nay đã có tới 50 triệu người dùng, đứng thứ 6 trên 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Statista, độ tuổi trung bình sử dụng TikTok từ 12-24 tuổi. 71% người dùng đánh giá nền tảng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Còn theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày; nhưng chỉ 36% trẻ em được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.
Một vài con số cũng đủ cho thấy: Đảm bảo môi trường số lành mạnh là yêu cầu bức thiết hiện nay, không kém gì việc giữ cho bầu khí quyển không bị ô nhiễm.
Những nội dung xấu độc trên mạng xã hội đã được cảnh báo từ lâu, nhưng điều đáng nói là chúng ngày càng biến hóa, tác động tới người dùng bằng nhiều chiêu trò và cách thức tinh vi. Phần lớn trong số đó là cố tình, bất chấp để câu view, câu like, kiếm tiền.
Những nội dung xấu độc trên mạng xã hội cố tình, bất chấp để câu view, câu like, kiếm tiền
Tại Việt Nam, nhiều trẻ em mất mạng vì làm theo những thử thách quái đản. Có những nội dung xấu độc khác có thể không lấy đi mạng sống, nhưng hàng ngày hàng giờ đang "giết chết" tâm hồn, suy nghĩ của nhiều em nhỏ. Đó là giang hồ mạng. Nhiều đối tượng từng phạm pháp nay lên mạng rao giảng triết lý sống, livestream thách đấu chém giết. Điều đáng lo ngại, các clip này nhận được hàng trăm ngàn lượt xem, lượt thích. Nhiều em còn coi giang hồ mạng là thần tượng.
Từ đầu năm đến nay, tại Mỹ - nơi sản sinh ra mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, YouTube, Instagram và Snapchat, đồng loạt nhiều trường học tại nhiều bang đã viết đơn kiện các nền tảng mạng các hội này, lý do là ngày càng nhiều trẻ em phải vật lộn với sức khỏe tâm thần do sử dụng các ứng dụng này quá nhiều. Nội dung các đơn kiện có viết "Không có cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử tương đồng với tình trạng mà giới trẻ trong quốc gia này đang đối mặt". Tại Việt Nam cũng thế, các bậc phụ huynh cũng vô cùng lo lắng trước đầy rẫy những cạm bẫy giăng ra trên môi trường số.
Khó khăn thách thức đối với cơ quan quản lý
Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả để tiếp nhận phản ánh và xử lý tin giả. Chúng ta cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, kèm theo đó là các nghị định xử phạt hành chính…Rất nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, nhưng khó khăn thách thức vẫn còn rất nhiều.
Chúng ta đã có những bước tiến trong việc thiết lập cơ chế phối hợp với các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, thể hiện ở tỷ lệ gỡ nội dung sai phạm đạt trên 90% khi có yêu cầu.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 của chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội đã được xây dựng trong vài năm qua, trong đó có những quy định siết chặt với hình thức livestream.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sỹ cuối năm 2021, trong đó có quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy nhiên ngày càng xuất hiện những hành vi, phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn của 1 bộ phận giới giải trí, nghệ sỹ trên mạng.
Một bộ phận giới giải trí, nghệ sỹ có hành vi, phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn
Thầy cô, bạn bè, người thân... nói không bằng thần tượng nói. Những người nổi tiếng, khi được yêu mến thì những câu nói đơn giản cũng tạo thành xu hướng (trend) và được trẻ học theo. Chính vì thế, những phát ngôn bừa bãi, hành vi bất cẩn, hay sáng tạo "lệch chuẩn", phản cảm có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến khán giả, và với chính bản thân người nghệ sĩ.
Một minh chứng cho thấy lỗ hổng trong phối hợp giữa Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thời gian qua là sự bùng nổ của các phim ngắn chiếu mạng, còn gọi là webdramma tràn lan trên Youtube, TikTok một thời gian dài mà không ai quản lý, mãi gần đây, một tổ công tác mới được Cục Điện ảnh thành lập. Và bài toán quản lý những loại nội dung như thế này vẫn còn rất gian nan.
Thực tế, tin giả, nội dung xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Đây là một thách thức không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng. Thậm chí có nước còn coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động.
Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu kiểm tra toàn diện TikTok.
Tăng vaccine bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, sự hỗn loạn trên mạng xã hội khiến nhiều trẻ em bị chết đuối trong bể thông tin nhưng lại chết đói về tri thức. Nhiều người thì ví mạng xã hội như một chiếc xe tốc độ cao chạy trên xa lộ, do đó trẻ em cần được trang bị dây an toàn để không bị sát thương. Trong hành trình này, nhà trường và gia đình cần phải là bộ lọc và trang bị cho trẻ những kỹ năng số cần thiết để tự bảo vệ trước virus độc hại.
Trong bức tranh mạng xã hội đa sắc còn không ít mảng tối, ta vẫn thấy những gam màu tươi sáng.
Đó là sự "chuyển động" rất khác của giới trẻ Việt trong thời đại số hóa. Nhiều người trẻ Việt đã có ý thức rất lớn về tiếng nói của mình. Giờ đây lên mạng, chúng ta có thể bắt gặp những diễn đàn của riêng người trẻ, chẳng hạn như "Đài Tiếng nói GenZ" trên Facebook và Tiktok. Họ không ngại thể hiện quan điểm của mình trong các vấn đề toàn cầu, từ chính trị, chủ quyền, môi trường. Sự tự tin ấy cần được bồi đắp cùng với bản lĩnh vững vàng và văn hóa ứng xử văn minh.
Nhiều bạn trẻ có ý thức rất lớn về tiếng nói của mình trên mạng xã hội
Rác xấu độc trên không gian mạng không chỉ là chuyện của một cộng đồng hay một quốc gia, mà còn là những mầm mống gây bất ổn, đe dọa sự phát triển của xã hội văn minh trên toàn cầu.
Rất mong các giải pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả hơn sẽ được triển khai. Và điều quan trọng là chúng ta cẩn trọng trước mỗi thông tin, dòng bình luận, hay nút like, nút share. Hãy là những người dùng mạng xã hội văn minh, có trách nhiệm, khi ấy mỗi người đang góp phần đẩy lùi nấm độc, ươm mầm xanh tốt đẹp, tạo bầu không khí trong lành và môi trường số văn hóa, văn minh.
Cùng trao đổi trong chương trình Tọa đàm về chủ đề "Mạnh tay xử lý nội dung xấu độc trên mạng" của Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam là các khách mời:
Ông Lê Quang Tự Do - Cục Trưởng Cục PTTH và TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông;
Bà Trần Ly Ly - Quyền Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
Ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia văn hóa truyền thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!