Vườn cây của anh Đặng Quốc Tuấn (thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) xuất hiện những hố sụt lún. Chiếc giếng khơi, nguồn cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất duy nhất của gia đình anh, bị cạn trơ đáy. Cho rằng moong khai thác quặng rộng hàng chục hecta, sâu cả trăm mét đã gây sự cố, anh nhiều lần khiếu nại, đòi hỗ trợ khắc phục hậu quả nhưng không được chấp nhận với lý do là chưa xác định rõ nguyên nhân.
Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện Đồng Hỷ được phân bổ từ 30 - 40 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường từ khai khoáng. Nhưng chỉ một phần nhỏ được đầu tư khắc phục hậu quả môi trường. Phần lớn số tiền này huyện đầu tư vào các mục đích khác.
Theo khảo sát của Liên minh khoáng sản thực hiện tại 30 xã, thị trấn bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động khai khoáng, đa số không có thông tin gì về phí bảo vệ môi trường trên địa bàn mình quản lý.
Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật phí và lệ phí. Đây là cơ sở để sửa đổi quy định về phí bảo vệ môi trường theo hướng công khai, minh bạch, phân cấp rõ hơn và cũng là cơ sở để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.